Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới công tác cán bộ

Chương XI dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề cập rất rõ và khá đầy đủ đến mục tiêu xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân là cách thức cơ bản để phát huy dân chủ và quyền làm chủ của người dân. Nhà nước quản lý xã  hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, xử lý nghiêm minh kịp thời mọi vi phạm pháp luật nhằm thực hiện và bảo vệ hiệu quả các quyền tự do dân chủ, lợi ích hợp pháp của người dân, ngăn ngừa sự tùy tiện lạm quyền từ cơ quan Nhà nước và cán bộ công chức (CBCC) thực thi nhiệm vụ”.

Trong giai đoạn đất nước tiến lên quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN lại trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Trong đó, theo tôi, phải tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và đổi mới công tác cán bộ. Đây chính là điều kiện cần.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN phải dựa vào nhân dân, phải xuất phát từ nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Nhà nước pháp quyền XHCN phải được tổ chức và phân công quyền lực nhà nước thực sự khoa học, trong đó, đề cao trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước thực hiện sự phân cấp hợp lý quyền lực nhà nước giữa trung ương và địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xác định rõ tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của HĐND và UBND các cấp; tiếp tục nghiên cứu làm rõ mô hình tổ chức các cơ quan tư pháp cho phù hợp với yêu cầu mới.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách sâu rộng, toàn diện, đồng bộ. Trong đó, tập trung cải cách thể chế hành chính; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa các thủ tục trong các lĩnh vực có tác động trực tiếp tới đời sống của người dân; loại bỏ những khâu xin phép không cần thiết; công khai các quy định, thủ tục hành chính; triển khai trong các cấp hành chính của cả nước thực hiện cơ chế “một cửa”...
 
Nội dung quan trọng thứ hai là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Cho đến hiện nay vẫn còn tồn tại một thực trạng là tổ chức bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương còn cồng kềnh, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Số người làm việc hưởng lương ngân sách nhiều nhưng hiệu quả quản lý nhà nước thấp. Chất lượng và hiệu suất công tác của đội ngũ CBCC chưa được thể hiện đúng mức.

Thực trạng đó cần phải được xem xét một cách nghiêm túc, mà trước hết cần xem xét về công tác cán bộ, môi trường làm việc và tiền lương. Môi trường làm việc tốt phải là nơi CBCC được làm việc theo đúng năng lực, sở trường, phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong công việc, có tiền lương hợp lý, có khả năng phát triển trong nghề nghiệp…

Cũng không thể không nói đến vai trò và tầm quan trọng của người đứng đầu đơn vị. Nếu người đứng đầu đơn vị có tầm, có tâm, biết trọng dụng người tài thì chắc chắn đơn vị đó sẽ có được những CBCC giỏi và yêu nghề, tình trạng chảy máu chất xám sẽ được hạn chế.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là một quá trình dài, đòi hỏi những bước đi thận trọng, quyết liệt, trong đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật và đổi mới công tác cán bộ là những điều kiện cần.

PGS.TS BÙI ĐỨC KHÁNG (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia TPHCM)

Tin cùng chuyên mục