Hoàn thiện thiết bị in hóa đơn xăng dầu

Sản phẩm thuần Việt
Hoàn thiện thiết bị in hóa đơn xăng dầu

Việc lắp đặt thử nghiệm thiết bị in hóa đơn xăng dầu tại TPHCM cho đến nay chưa thể triển khai đại trà do giới hạn về mặt kỹ thuật. Nhưng mới đây, hai doanh nghiệp (DN) trong nước đã nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị có thể in hóa đơn đạt tỷ lệ chính xác gần như tuyệt đối, lại có giá thành rẻ. Điều này mở ra cơ hội cho các DN bán lẻ xăng dầu có đủ điều kiện để lắp đặt sớm trước ngày 1-7-2018, thời điểm Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) bắt buộc toàn bộ cột đo xăng dầu trên toàn quốc phải gắn thiết bị in.

Sản phẩm thuần Việt

Thiết bị có tên Smart Printer, do nhóm các kỹ sư của Công ty cổ phần Công nghệ kỹ thuật điện Toàn Cầu (TPHCM), Công ty TNHH Thiết bị xăng dầu Việt (Đồng Nai) và một số nhà khoa học đã hợp tác nghiên cứu, sản xuất.

Thiết bị Smart Printer có kết cấu kiểu hộp sắt nhỏ gọn, gắn vào mỗi trụ bơm xăng. Sau khi hoàn thành động tác bơm xăng và gác cò bơm, thiết bị nhận tín hiệu và xuất ra hóa đơn cho khách hàng. Trên phiếu xuất ra có đầy đủ thông tin như thời gian, địa điểm, tên DN bán xăng, loại xăng, trụ bơm… cho đến cả số tiền, số lít mà người tiêu dùng đã mua. Theo đơn vị sản xuất, càng nhiều thông tin hiển thị trên hóa đơn càng giúp người tiêu dùng và các cơ quan chức năng có thêm “bằng chứng” xác định trụ bơm có gian lận trong mua bán xăng hay không.

Thiết bị in sử dụng “chip Việt” có giá thành rẻ được gắn trên trụ bơm.

Ngoài máy in nhiệt phải nhập, toàn bộ thiết bị từ vỏ hộp, bảng mạch điện tử điều khiển, phần mềm quản lý đều được sản xuất trong nước. Trong đó, bộ vi điều khiển sử dụng chính con chip SG8V1, một sản phẩm hình thành từ Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM.

Theo ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị xăng dầu Việt, thiết bị in này sử dụng giải pháp kỹ thuật để đọc các giá trị trên bảng điện tử hiển thị rồi xuất ra hóa đơn thông qua máy in nhiệt. Điều đó có nghĩa phiếu xuất ra có độ chính xác đến từng đồng dù người tiêu dùng mua theo hình thức tròn số tiền hay số lít. “Đây là điểm khác biệt so với sản phẩm từng được thử nghiệm tại TPHCM thời gian vừa qua, khi sử dụng thuật toán để đọc bộ phát xung trên máy bơm. Qua đó đảm bảo thiết bị in không can thiệp vào phần cứng của trụ bơm mà còn khắc phục được sai số giữa chứng từ và đồng hồ báo”, ông Thế Anh khẳng định.

Thời gian qua, không ít trường hợp chủ trạm xăng sử dụng chip điện tử để điều khiển bộ phát xung (thay đổi hệ số đo) trên máy bơm, nhằm “rút ruột” số xăng bán ra. Theo ông Thế Anh, thiết bị Smart Printer cũng được trang bị tính năng đọc được tín hiệu bộ phát xung này và lưu vào bộ nhớ, khi xảy ra tranh chấp, chủ xăng hay cơ quan chức năng đều có thể sử dụng phần mềm trích xuất dữ liệu đã lưu. Sau đó lấy số liệu để so sánh với giá trị thực mà người tiêu dùng đã mua. Với bộ nhớ lưu hiện tại là 4.000 lần gác cò/trụ bơm và có thể mở rộng thêm bộ nhớ nếu có yêu cầu, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yêu cầu trích xuất hóa đơn đã mua từ cách đó vài tuần để kiểm chứng.

Tiết kiệm tiền tỷ

Theo ước tính của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 14.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nếu tính trung bình mỗi cửa hàng có từ 5 - 6 trụ bơm, thì số trụ bơm hiện có cần trang bị thiết bị in lên đến hơn 70.000 trụ.

Khó khăn ở chỗ, trên thị trường hiện vẫn chưa có đơn vị nào sản xuất thiết bị in này. Một đại lý kinh doanh thiết bị xăng dầu tại Đồng Nai cho biết, có hơn 70% trụ bơm trên cả nước sử dụng đầu số sản xuất trong nước, số còn lại là các trụ bơm do Petrolimex nhập khẩu từ Nhật. Đầu số sản xuất trong nước không có giao thức để đọc dữ liệu hiển thị trên bảng điện tử, trong khi đầu số nhập khẩu dù được cung cấp giao thức để đọc nhưng không có thiết bị đọc. Muốn các trụ bơm in được, doanh nghiệp phải đầu tư nâng cấp hoặc thay thế đầu số có chức năng in với mức giá từ 7 triệu đồng.

Theo ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ kỹ thuật điện Toàn Cầu, giải pháp khả thi là tự chế tạo thiết bị trong nước có thuật toán để đọc bộ phát xung từ máy bơm hoặc đọc được tín hiệu từ bảng điện tử hiển thị trên trụ bơm. Mức đầu tư một thiết bị cơ bản có giá vào khoảng hơn 3 triệu đồng. Đồng nghĩa, các DN bán lẻ xăng dầu đã tiết kiệm hơn một nửa chi phí, lên đến hàng chục tỷ đồng.

Đại diện Vụ Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng) khẳng định, tình trạng gian lận trong mua bán xăng dầu ngày càng nghiêm trọng và tinh vi, buộc phải có giải pháp quản lý hiệu quả hơn. Mới đây, Bộ KH-CN đã ban hành Thông tư 15, bắt buộc các trụ bơm phải lắp thiết bị in kể từ ngày 1-7-2018, là vô cùng cấp thiết vào thời điểm này. Quy định in hóa đơn khi bơm xăng trước tiên chính là bảo vệ người tiêu dùng. Hóa đơn là bằng chứng quan trọng để người tiêu dùng khiếu kiện hành vi gian lận bơm xăng. Mặt khác, khi thực hiện quy định in hóa đơn xăng khi bơm, DN càng khẳng định được uy tín, chất lượng của mình.

NGUYỄN TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục