Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam đã lý giải sự thành công của Hoàng Kim Đáng: “Bộ ảnh này là kết tinh tiêu biểu tài năng nhiếp ảnh của Hoàng Kim Đáng. Anh đi nhiều, sống nhiều, từng trải nhiều, cuờng độ và nhịp điệu làm việc lúc nào cũng ở tình trạng thời chiến. Và anh đã lựa chọn, đã cân nhắc rất công phu, để chỉ bấm máy khi đã phát hiện thấy thần thái. Đó là những lúc xuất thần khiến cho người nghệ sĩ với đối tượng hòa chung làm một, làm cho mọi vẻ đẹp được xuất hiện vừa khác thường và đặc trưng, vừa là nghệ thuật của khoảnh khắc, vừa là ấn tượng vượt thời gian…”.
Từ một anh giáo trường làng, Hoàng Kim Đáng nhập ngũ và chiến đấu trong Binh đoàn Trường Sơn. Hơn mười năm ở chiến trường, là một trong những thành viên đầu tiên của tờ báo Trường Sơn (vừa chụp ảnh vừa viết), Hoàng Kim Đáng đã chụp được rất nhiều tấm ảnh quý giá về những thời điểm ác liệt trên tuyến lửa Trường Sơn. Chuyển ngành về báo Văn Nghệ năm 1974, được sống và làm việc trong môi trường văn nghệ với nhiều nhân vật văn nghệ nổi tiếng của cả nước. Chính từ đây là sự học hỏi, tích lũy và từng bước, từng bước tới những thành công của Hoàng Kim Đáng trên con đường cầm máy và cầm bút.
Do nhu cầu công việc anh thường hay tiếp xúc với những con người ưu tú của thời đại, bản tính ham học hỏi đã giúp anh có một vốn kiến thức tổng hợp dày dặn mà không nhiều người có được.
Hoàng Kim Đáng có nhiều điều kiện đặt dấu chân tới mọi miền Tổ quốc, và trên hết là sự trăn trở, tìm tòi, khám phá những vẻ đẹp của con người, đất nước thông qua lăng kính của một nghệ sĩ tài năng mỗi ngày mỗi chín. Các bài viết của Hoàng Kim Đáng khi hiện diện chung trong tập sách mới hiển lộ tác giả là người giàu có về kiến thức, phong phú và đa cảm về tâm hồn. Những trang viết của ông về đất nước hay con người đều hồn hậu, đầy lượng thông tin; đặc biệt những tư liệu về lịch sử. Cũng thật không nhiều nghệ sĩ được tiếp xúc, chụp và viết về những con người xuất sắc của đất nước như Hoàng Kim Đáng.
Ngoài tập Thăng Long - Hà Nội Việt Nam ký (NXB Hội nhà văn, 10-2010); Hoàng Kim Đáng còn chủ biên bộ sách ảnh đồ sộ - công trình kỷ niệm 1.000 năm lập đô do NXB Hà Nội ấn hành, mang tên: Thăng Long – Hà Nội qua hình ảnh. Những năm qua ông là chủ biên của nhiều bộ sách ảnh tạo tiếng vang như: sách ảnh Nghệ thuật Việt Nam, Hồ Gươm - Hà Nội Việt Nam, Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh...; ông còn có chân trong nhiều nhóm biên soạn sách của trung ương và một số địa phương...
Trong hàng vạn bức ảnh Hoàng Kim Đáng đã chụp về chiến tranh, cảnh sắc đất nước, lễ hội, phong tục, con người; tôi thích và cho rằng những bức ảnh Hoàng Kim Đáng chụp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà viết kịch Tào Mạt sẽ là những tác phẩm nhiếp ảnh còn mãi với thời gian. Đó cũng là điển hình cái tình của Hoàng Kim Đáng đã chuyển tải thông qua ngôn ngữ nhiếp ảnh. Ở đây, thần thái của nhân vật, sự điển hình của cốt cách đã hội tụ đầy đủ mà Hoàng Kim Đáng “chớp” được. Một vị Đại tướng uy dũng mà thật gần gũi và giản dị; nhà văn Nguyễn Tuân đầy cá tính, bản lĩnh mà cởi mở với đời bên chiếc ba-toong không thể thiếu; nhà viết kịch Tào Mạt với đôi mắt sâu đang ngời lên ánh sáng của sự đam mê nghề nghiệp...
Ảnh về phong cảnh, di tích hay lễ hội của Hoàng Kim Đáng thường ít chất hoành tráng, bề nổi, nhưng phía sau nhiều tác phẩm là sự suy nghĩ, khám phá của tác giả. Đến Hội An, ông đi tìm và khắc họa bằng được dấu ấn và sự giao lưu văn hóa còn lại phảng phất trên những gương mặt phụ nữ nơi này. Đó là văn hóa người Hoa, người Nhật, người Việt... Hướng ống kính vào các lễ hội, ông đi tìm cái hồn cốt, thần thái mà phản ánh ít khi sao chép hiện thực. Thế nên, hiểu được ảnh Hoàng Kim Đáng nhiều khi cần đến một vốn văn hóa nhất định.
Nhà thơ Hữu Thỉnh thật chí lý khi nói về nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Hoàng Kim Đáng: “Hoàng Kim Đáng kiên quyết không làm nghệ thuật tài tử, mà là xả thân, hóa thân, là ném hết cả hồn vía vào ống kính. Đó là bí quyết giải thích vì sao ảnh của anh lại có sức truyền cảm mạnh mẽ đến thế”
CAO MINH