Hoạt động giám sát của Quốc hội chưa đáp ứng nguyện vọng nhân dân

Ngày 6-12, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội (QH) và Ủy ban Thường vụ QH khóa XII. Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch QH, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XII chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện đoàn đại biểu QH các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

(SGGP).- Ngày 6-12, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội (QH) và Ủy ban Thường vụ QH khóa XII. Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch QH, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XII chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện đoàn đại biểu QH các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Đồng chí Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm văn phòng QH cho biết: Trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập pháp của QH khóa XII vẫn còn nhiều hạn chế. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là chương trình hàng năm có lúc chưa sát thực tế, tính khả thi chưa cao và phải điều chỉnh nhiều lần. Chất lượng dự luật trình QH cho ý kiến lần đầu còn thấp. Hoạt động giám sát của QH dù có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu cuộc sống. Việc xem xét báo cáo công tác của các cơ quan theo quy định pháp luật vẫn mang tính hình thức.

Hoạt động giám sát ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của QH và Ủy ban Thường vụ QH còn hạn chế nên tình trạng các cơ quan nợ đọng văn bản hướng dẫn vẫn còn tồn tại. Cách thức tổ chức giám sát còn bất cập, có sự chồng lấn về phạm vi và nội dung giám sát. Năng lực giám sát của các cơ quan QH còn hạn chế so với yêu cầu. Phạm vi, đối tượng giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH quá rộng nên hiệu quả chưa cao. Các đại biểu tham gia hội nghị cũng cho rằng, thời gian qua, nhiều vấn đề được đại biểu QH theo đuổi, góp ý chưa được quan tâm lắng nghe, chẳng hạn như vấn đề đầu tư ngân sách dàn trải, tham nhũng, lãng phí…

Góp ý tại hội nghị, các ý kiến cho rằng, để hoạt động của QH đi vào thực chất, cần phải có cơ chế hoạt động riêng dành cho các đại biểu QH chuyên trách. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực giám sát cho các đại biểu QH. Đối với đại biểu dân cử, không nên quy định giới hạn độ tuổi mà cần đặt yếu tố tín nhiệm của cử tri lên hàng đầu. Đặc biệt, cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của QH. “Có những vấn đề, Đảng cần nghe trước, quyết sau, tạo điều kiện cho QH thực hiện đúng chức năng, quyền hạn và trách nhiệm”- các đại biểu đề xuất.

M.Hương

Tin cùng chuyên mục