Hoạt động khoa học, công nghệ: Đầu tư cao, hiệu quả thấp

Năm 2014, ngân sách nhà nước chi cho hoạt động khoa học và công nghệ hơn 13.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý, phương thức phân bổ ngân sách còn nhiều bất cập dẫn đến tính hiệu quả trong hoạt động khoa học và công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng.
Hoạt động khoa học, công nghệ: Đầu tư cao, hiệu quả thấp

Năm 2014, ngân sách nhà nước chi cho hoạt động khoa học và công nghệ hơn 13.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý, phương thức phân bổ ngân sách còn nhiều bất cập dẫn đến tính hiệu quả trong hoạt động khoa học và công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến năm 2014, cả nước có 438 đề tài, dự án nằm trong chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm cấp nhà nước được phê duyệt thực hiện, trong đó đã hoàn thành nghiệm thu cấp nhà nước 26 nhiệm vụ kết thúc năm 2013. Bước đầu, một số kết quả nghiên cứu được chuyển giao vào sản xuất tạo ra các sản phẩm thương mại hóa trên thị trường trong và ngoài nước ở các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghệ vật liệu mới, cơ khí-tự động hóa, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai… Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vẫn còn một số hạn chế trong hoạt động khoa học, công nghệ. Cụ thể, tiến độ thực hiện một số đề tài còn chậm, chất lượng chưa cao. Các đơn vị nghiệp vụ thực hiện và chủ nhiệm đề tài mới chỉ quan tâm đến việc nghiên cứu, giải quyết những vướng mắc nghiệp vụ phát sinh tại đơn vị, chưa coi trọng việc hoàn thiện các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm khoa học phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.

Một số kết quả nghiên cứu nông nghiệp đã được chuyển giao vào sản xuất tạo ra các sản phẩm thương mại hóa trên thị trường. (Ảnh: Hoa xứ lạnh trồng thành công tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM). Ảnh: PHẠM CAO MINH

Khâu đầu tư ngân sách cho khoa học, công nghệ chưa tương xứng với sự quan tâm của Nhà nước. Tổng hợp dự toán chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ qua các năm cho thấy, chưa năm nào đạt mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định. Thậm chí tỷ lệ này đang có xu hướng giảm qua các năm (năm 2011 đạt 1,6%, 2012 là 1,46%, năm 2013 là 1,42% và năm 2014 dự báo chỉ đạt mức chi 1,36%). Chưa kể, cơ chế quản lý, xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để làm cơ sở phân bổ ngân sách cũng còn những bất cập…

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, với việc bố trí nguồn lực ở mức thấp như vậy, dẫn đến các năm gần đây ngành khoa học, công nghệ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thực hiện các nhiệm vụ cấp quốc gia đã được phê duyệt. Một số đề tài, dự án phải giãn, hoãn thời gian thực hiện nhiệm vụ gây ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả nghiên cứu và không đáp ứng được phần lớn các mục tiêu chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đáng chú ý, cơ cấu chi có nhiều bất cập giữa chi đầu tư, sự nghiệp khoa học từ ngân sách trung ương và địa phương. Trong đó, chi đầu tư phát triển của địa phương chiếm tỷ trọng lớn trên 50% tổng chi đầu tư, trong khi đó chi sự nghiệp chỉ chiếm 25% tổng chi sự nghiệp.

Ngược lại, chi đầu tư phát triển từ trung ương chiếm gần 50% tổng chi đầu tư, trong khi chi sự nghiệp khoa học lại chiếm gần 75% tổng chi sự nghiệp. Qua đó cho thấy, tại khu vực địa phương, việc chi đầu tư phát triển là chủ yếu, còn việc chi cho sự nghiệp khoa học không cân xứng với tỷ lệ chi từ ngân sách trung ương. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương, việc điều hòa ngân sách quốc gia dành cho khoa học, công nghệ từ trung ương và địa phương chưa có sự thống nhất.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ chín do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây tại TPHCM, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khoản chi 2% (tương đương 0,5-0,6% GDP) trong số tổng chi ngân sách cho hoạt động khoa học, công nghệ là rất lớn so với tình hình đất nước còn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, do thời gian qua việc chi cho hoạt động khoa học, công nghệ áp dụng theo hình thức cào bằng và dài trải, chỉ dựa trên tỷ lệ dân số từ trung ương đến địa phương, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Thậm chí ở cấp huyện, thay vì chỉ áp dụng đề tài, dự án đã hoàn thành vào thực tiễn, nhưng cũng được phân bổ ngân sách để nghiên cứu khoa học, công nghệ. Hoặc nhiều địa phương được phân bổ vốn cho hoạt động khoa học, công nghệ nhưng không sử dụng hết, sau đó “hợp thức hóa” nguồn vốn này vào những việc không liên quan như mua thùng đựng rác… dẫn đến tình trạng nơi thừa nơi thiếu vốn.

Trước thực trạng này, các đại biểu quốc hội là thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị trong thời gian tới vẫn thống nhất khoản chi 2% cho hoạt động khoa học, công nghệ nhằm phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững. Tuy nhiên, cần đổi mới cách làm, chi có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là trong việc phân bổ ngân sách nên tập trung ở các bộ, ngành trung ương. Quá trình triển khai đề tài, đề án khoa học, công nghệ cần liên thông với địa phương-nơi áp dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn để triển khai nhanh và mang lại hiểu quả cao nhất.

Theo Bộ Tài chính, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2014 cho khoa học và công nghệ đã được Quốc hội thông qua là 13.666 tỷ đồng, bao gồm: Kinh phí đầu tư phát triển là 5.986 tỷ đồng, trong đó, trung ương chiếm 49%, địa phương chiếm 51%; kinh phí sự nghiệp là 7.680 tỷ đồng, trong đó trung ương chiếm 75%, địa phương là 25%.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục