Hoạt động nhóm - Chia sẻ giá trị sống

Mới đây, nhóm Nhiêu Lộc Xanh kết hợp với sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM và Trường Đại học Công nghệ thực phẩm tổ chức vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc. Nhóm là một trong số hàng ngàn nhóm tình nguyện khác hoạt động trên khắp cả nước, được thành lập bởi các bạn trẻ yêu thích hoạt động tình nguyện và đam mê “nhúc nhích”.
Hoạt động nhóm - Chia sẻ giá trị sống

Mới đây, nhóm Nhiêu Lộc Xanh kết hợp với sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM và Trường Đại học Công nghệ thực phẩm tổ chức vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc. Nhóm là một trong số hàng ngàn nhóm tình nguyện khác hoạt động trên khắp cả nước, được thành lập bởi các bạn trẻ yêu thích hoạt động tình nguyện và đam mê “nhúc nhích”.

Lan tỏa

Với khẩu hiệu “Kênh Nhiêu Lộc xanh xin đừng vứt rác - Kênh Nhiêu Lộc xanh sao đành vứt rác”, các bạn trẻ nhóm Nhiêu Lộc Xanh đã tạo nên không khí sôi động trên cả dòng kênh. Sau khi vớt rác bằng vợt ở hai bên bờ kênh, nhóm sử dụng một chiếc bè bằng mút xốp có 9 thành viên mặc áo phao bơi vây quanh để vớt rác ở giữa dòng kênh bỏ lên chiếc bè. Nhóm bắt đầu vớt rác từ cầu Thị Nghè (quận Bình Thạnh) đến cầu số 1 đường Trường Sa (quận Tân Bình). Trong khi các thành viên đang nhặt rác giữa dòng kênh thì ở hai bên bờ, đông đảo các thành viên sôi nổi cổ động, hô to khẩu hiệu xin đừng vứt rác xuống dòng kênh.

Nhóm Nhiêu Lộc Xanh vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc

Tối thứ ba hàng tuần, những người vô gia cư, cô, bác nhặt ve chai… ở các tuyến đường nội thành lại có dịp được nhận những phần súp nóng hổi. Những ai còn khó khăn hơn thì được nhận thêm bịch sữa hay gói mì tôm. Giải thích cho cái tên của nhóm - nhóm Súp đêm ấm lòng tối thứ ba - trưởng nhóm Đoàn Minh Trương, 26 tuổi, chia sẻ: “Nhóm quyết định đặt tên như vậy là để những người được nhận quà dễ nhớ, cứ đến tối thứ ba là có thể được nhận một món quà nhỏ”.

Có đi theo nhóm trong lúc phát súp mới thấy được niềm vui, nụ cười rạng rỡ trên nét mặt của những cô, bác khi được nhận hộp súp nóng hổi. Cũng chính niềm hạnh phúc của người nhận quà đã tạo động lực cho các bạn trẻ quyết định thành lập nhóm. Minh Trương kể lại, khoảng giữa năm 2014, khi công việc kinh doanh tương đối thuận lợi, vào lúc rảnh rỗi, Minh Trương rủ thêm vài người bạn nấu súp bán điểm tâm sáng để kiếm thêm thu nhập. Lúc đầu nấu không biết có phù hợp khẩu vị mọi người hay không, nên cả nhóm quyết định nấu súp rồi mời mọi người dùng thử. Không ngờ khi được nhận súp, nhiều người cảm ơn và khen ngon.

Sau buổi phát súp dùng thử, nhóm quyết định không bán nữa mà chuyển sang tặng súp vào mỗi tối thứ ba hàng tuần. “Sau khi biết nhóm phát súp cho người nghèo, các mạnh thường quân đã ủng hộ nhiệt tình. Cô bán tạp hóa ở đầu hẻm quyên góp mỗi tuần 30 quả trứng; anh Hải mỗi tuần tặng 3 thùng mì gói; chị Thủy hưởng ứng 30 trái bắp… Ngoài ra còn có sự tham gia ngày càng đông của các bạn sinh viên đến từ các trường trên địa bàn TPHCM. Nhờ những đóng góp cố định của những mạnh thường quân nên đến nay nhóm không còn lo về kinh phí nấu súp”, Minh Trương cho biết.

Mới đây, nhiều bạn trẻ TPHCM đã lập nhóm kêu gọi mọi người không ăn thịt chó để ủng hộ chiến dịch “Về đi Vàng ơi”. Bạn Nguyễn Thị Quế Linh, thành viên nhóm cho biết, mục đích của việc phát động phong trào này là giúp những tín đồ của thịt chó tránh được nguy cơ lây bệnh, do thịt chó không được kiểm dịch. Bên cạnh đó, việc ngừng ăn loại thịt này sẽ ngăn chặn được những vụ án đáng tiếc do những người trộm chó gây nên.

Trải nghiệm

Nguyễn Thị Linh Ngọc, thành viên nhóm G9 - Cháo đêm ấm lòng, nói: “Khi gửi đến người vô gia cư một hộp cháo nóng, hay chứng kiến cảnh một gia đình nghèo khó quanh năm sống tạm bợ được ở trong một ngôi nhà mới, vững chắc hơn do nhóm vận động xây tặng, niềm vui sẽ đến với không chỉ người nhận mà còn cả người cho”. Nói về những ích lợi khi hoạt động nhóm, Linh Ngọc chia sẻ:  “Tôi nghĩ các bạn trẻ  nên tham gia vào các đội nhóm. Vì khi tham gia sẽ cởi mở hơn, học hỏi được nhiều điều từ mọi người và cũng là một trải nghiệm khi vào đời”.

Để thành lập một nhóm không khó, nhưng để nhóm hoạt động đúng mục tiêu và vượt qua những khó khăn là điều mà không phải nhóm nào cũng làm được. Trưởng thành từ Đội Công tác xã hội Thành đoàn, rồi làm đội trưởng nhiều năm của nhóm G9 - Cháo đêm ấm lòng, anh Tống Hoàng Quân đã đúc kết kinh nghiệm trong quá trình điều hành nhóm. Khi mới thành lập nhóm, điều đầu tiên là tạo ra một nhóm người điều hành, đại diện cho các thành viên. “Tôi luôn đặt sáng tạo lên hàng đầu để tạo cảm hứng cho bản thân và các thành viên nhằm tránh sự nhàm chán trong hoạt động”, Hoàng Quân chia sẻ.

Nói về xu hướng lập nhóm trong giới trẻ hiện nay, thạc sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TPHCM, nhận định: “Khi sinh hoạt trong các nhóm tình nguyện, các bạn trẻ cùng nhau chia sẻ những giá trị sống vì cộng đồng như yêu thương, sẻ chia, nhân ái... Điều này ảnh hưởng rất tốt đến suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của mỗi thành viên trong nhóm. Các em ảnh hưởng từ bạn bè rất nhiều, thậm chí hơn cả những lời khuyên của cha mẹ. Nếu chơi với người tốt, các em sẽ trở nên tốt hơn. Cha mẹ và cộng đồng nên ủng hộ những nhóm bạn bè như vậy”.

Theo các chuyên gia xã hội học, muốn nhóm hoạt động hiệu quả và lâu dài, các thành viên cần học kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm. Các bạn cần biết lắng nghe quan điểm của nhau, tôn trọng nhau, chấp nhận và thích nghi với những cá tính của nhau, thống nhất cùng làm việc vì mục đích chung chứ không vì cái tôi cá nhân. Vì tuổi này cũng rất dễ tự ái, dễ chia tay nhóm hoặc có những xung đột. Các bạn trẻ nếu tìm được những nhà tư vấn hỗ trợ cho nhóm thì càng tuyệt vời hơn.

QUANG KHOA

Tin cùng chuyên mục