Dù đã có những bước tiến đáng kể, song hoạt động tiếp xúc cử tri của cơ quan dân cử (QH, HĐND) cũng như của từng đại biểu kết quả đạt được vẫn chưa đồng bộ và còn bộc lộ hạn chế. Những tồn tại, bất cập ấy không chỉ cử tri lên tiếng mà ngay cả đại biểu dân cử cũng tâm tư… Có những tồn tại đã được đặt ra từ nhiều năm đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ để hoạt động tiếp xúc cử tri đáp ứng mong đợi của người dân.
Chưa mở rộng thành phần tiếp xúc
Thời gian gần đây, dự nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri của QH và HĐND TP, chúng tôi nhận thấy một vài địa phương có sự thay đổi về hình thức tiếp xúc cử tri. Tại quận 1, Ủy ban MTTQ quận mở rộng thành phần cử tri phong phú hơn trước, ngoài lực lượng cán bộ hưu trí là nòng cốt có thêm đại diện doanh nghiệp trên địa bàn, cán bộ công đoàn, cán bộ - giáo viên tại các trường học, đặc biệt là người dân tại các dự án bị giải tỏa... để người đại diện của dân được lắng nghe nhiều hơn. Tuy nhiên, hình thức mở rộng đối tượng tiếp xúc này chưa phải rộng rãi tại các địa phương. Tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”, mà đa phần là người lớn tuổi như cán bộ hưu trí, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ phường - xã thường được mời dự. Trong khi đó, rất ít khi thấy thành phần trí thức trẻ, nếu có cũng là cán bộ Đoàn phường xã, quận huyện nên chưa ghi nhận được ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân, trong khi ĐB cũng rất muốn nghe ý kiến của người trẻ. Đặc biệt, rất ít người dân biết đến hoạt động tiếp xúc cử tri. Bên cạnh đó, hình thức tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu (ĐB) cũng chưa được linh hoạt, chủ yếu tổ chức tiếp xúc tại quận và trong giờ hành chính, trong khi đó nhiều cử tri mong đợi ĐB “vi hành” xuống khu dân cư, các điểm đang phát sinh những vấn đề nóng như giải tỏa đền bù, ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe… để thấu hiểu được cuộc sống khốn khó của người dân, ghi nhận được những phản ánh sát sườn nhất. Hình thức tiếp xúc theo giới, theo ngành vẫn chưa được thực hiện thường xuyên.
Phản ánh về sự cứng nhắc trong hình thức tiếp xúc cử tri cũng như chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, cử tri Trần Thanh Đạm (quận Phú Nhuận), bày tỏ: Nhiều năm dự tiếp xúc cử tri tại địa phương, lần nào tôi cũng thấy nội dung như sau: Một năm 2 lần, ĐB HĐND hoặc QH được MTTQ tổ chức tiếp xúc với cử tri trước và sau kỳ họp. Đối với cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, ĐB thông báo chương trình nội dung kỳ họp. Kế đó, cử tri được mời lên phát biểu ý kiến, ai muốn phát biểu nội dung gì thì đăng ký.
Cử tri phát biểu xong, đại diện tổ ĐB lên phát biểu tiếp thu, ghi nhận ý kiến rồi… cảm ơn. Thỉnh thoảng có nói thêm một vài việc trao đổi với cử tri. Còn với nội dung cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, ĐB báo cáo lại kết quả kỳ họp, sau đó mời cử tri lên phát biểu ý kiến. Xong, ĐB gút lại, ghi nhận rồi bế mạc. “Nội dung kỳ họp cử tri đã theo dõi xuyên suốt qua phương tiện thông tin, nếu cần thông tin thì chỉ nên ngắn gọn. Quan trọng là ĐB thông tin những kiến nghị gì của cử tri đã được giải quyết”, ông Trần Thanh Đạm nhấn mạnh.
Một thực tế khác, tại buổi tiếp xúc cử tri - nhất là tiếp xúc với ĐB HĐND, nhiều ý kiến của cử tri liên quan đến trách nhiệm của địa phương nhưng tại một số quận huyện hiện nay, chính quyền rất ít khi, thậm chí không dự hội nghị này nên các kiến nghị của người dân chưa được giải đáp kịp thời.
Tổng hợp không đầy đủ, trả lời chưa thỏa đáng
Tiếp xúc với ĐBQH, cử tri thường phản ánh liên quan đến các vấn đề vĩ mô như lập pháp, hành pháp; chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Trong khi đó, tiếp xúc với ĐB HĐND, cử tri thường phản ánh các vấn đề thiết thân, thiết thực với mình.
Phản ánh dưới góc độ là ĐB HĐND TP, ĐB Lâm Thế Quân cho rằng, do hoạt động tiếp xúc cử tri với ĐB HĐND chỉ “khoanh vùng” tại địa phương mình ứng cử nên các nội dung góp ý còn hạn hẹp. Ngoài ra, đại diện MTTQ thường chỉ yêu cầu cử tri góp ý những vấn đề liên quan quận huyện mình, tránh đề cập đến các vấn đề của các địa phương khác nên nội dung không có tính bao quát cho toàn TP. Một vấn đề khác là biên bản họp do MTTQ ghi nhận, thường nội dung còn chung chung, chưa ghi nhận hết và chính xác ý kiến đóng góp của cử tri.
Trong khi đó, theo ĐB HĐND TP Lê Mạnh Hà, hoạt động tiếp xúc cử tri hiện nay chỉ ở mức ghi nhận và tiếp thu ý kiến cử tri. Trong khi đó, vấn đề cử tri quan tâm nhất tại hội nghị tiếp xúc cử tri là có bao nhiêu kiến nghị của bà con được giải quyết, những ý kiến tồn đọng vì sao chưa được giải quyết, địa chỉ trách nhiệm ở đâu? Theo ĐB Lê Mạnh Hà, các ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được tập hợp đầy đủ, công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri chưa thực hiện thường xuyên, thiếu chế tài đối với những người không trả lời kiến nghị của cử tri nên chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri chưa mang lại hiệu quả. “Thực trạng này làm cử tri nản lòng còn ĐB bị mất uy tín”, ông Lê Mạnh Hà thẳng thắn.
Đối với TPHCM, địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường còn gặp khó khăn khác. Đó là các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời để giúp HĐND TP thực hiện có hiệu quả chức năng của mình. Việc tiếp nhận các phản ánh, ý kiến, kiến nghị của nhân dân trên địa bàn quận, huyện, phường trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND cùng cấp nay chưa có hướng dẫn giao cho cơ quan, tổ chức nào làm đầu mối để từ đó gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết kịp thời.
Bài 3: Kỳ vọng về một đề án
VÂN ANH
- Thông tin liên quan:
>> Bài 1: Có bước tiến nhưng chưa toàn diện