Để phục vụ tốt hơn đời sống văn hóa và qua đó tuyên truyền giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ thì hoạt động văn hóa trong thanh niên cần có sự năng động, sáng tạo và phủ sóng rộng khắp hơn. Đây cũng là nội dung tọa đàm “Phát huy thiết chế văn hóa của Đoàn - phát triển hoạt động văn hóa nghệ thuật trong thanh thiếu niên TP” do Ban Thường vụ Thành đoàn TPHCM tổ chức.
Thiếu thốn
“Hoạt động văn hóa luôn đòi hỏi sự đổi mới, nhất là trong giai đoạn mở cửa hòa nhập với thế giới ngày nay. Thế nên, đối với thanh thiếu niên - đối tượng được coi là nhanh nhạy trong việc tiếp thu các loại hình văn hóa nghệ thuật mới - cần nhận thức và bản lĩnh trong việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, để có thể hòa nhập mà không hòa tan”, anh Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM mở đầu. Nếu các địa điểm quen thuộc ở khu vực trung tâm TP như Nhà văn hóa Thanh niên TP, Nhà văn hóa Sinh viên TP, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân… thu hút đông đảo thanh niên, sinh viên, học sinh đến sinh hoạt thì ngược lại, ở các quận huyện vùng ven, ngoại thành, nhiều thanh thiếu niên, nhất là thanh niên công nhân không có sân chơi, thiếu vắng hoạt động văn hóa nghệ thuật, đời sống tinh thần thiếu thốn.
Hiện có hàng trăm ngàn công nhân lao động, tập trung làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của TPHCM. Phần đông trong số này là lao động nhập cư từ các tỉnh, thu nhập thấp, đời sống văn hóa tinh thần của họ khá nghèo nàn. Thông qua các kênh của mình, Thành đoàn đã có nhiều hoạt động (tuyên truyền giáo dục sức khỏe, tổ chức biểu diễn văn nghệ, các hội thi thể thao…) hỗ trợ thanh niên công nhân nhằm tạo sân chơi lành mạnh, tuy nhiên kết quả vẫn còn khá hạn chế. Chị Thái Thị Hoài Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP bày tỏ, đến với công nhân nhiều KCN-KCX, hỏi các bạn thích loại hình giải trí, vui chơi nào, văn hóa văn nghệ hay thể dục thể thao? Không ít lần chị nhận được câu trả lời xót xa: “Nếu có thời gian, tụi em sẽ tăng ca làm thêm, cố gắng kiếm thêm thu nhập chứ hầu như không mấy ai nghĩ đến việc vui chơi, giải trí”.
Khơi lên ngọn lửa...
Có ý kiến cho rằng, không hiếm bạn trẻ thanh niên ngày nay có xu hướng sống ảo (do ảnh hưởng từ internet), coi trọng giá trị vật chất và thiếu lửa nhiệt huyết. Nhiều bạn dễ dàng hát một bài nhạc nước ngoài mà không biết tới những bài hát cách mạng. NSƯT Quỳnh Liên, Ủy viên BCH Hội Âm nhạc TPHCM, người đã có nhiều năm gắn bó với các phong trào văn nghệ thanh niên TP kể lại: “Có lần ra Trường Sa diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ, tôi tiếp xúc với một bạn trẻ, bạn này thổi sáo rất hay. Nhìn cây sáo của bạn mà tôi rơi nước mắt, vì cây sáo đã hư, nứt gần hết, anh chàng phải buộc dây thun khắp nơi mới thổi được. Rồi nhiều lần tôi đi diễn văn nghệ ở vùng biên giới, các tỉnh vùng sâu vùng xa, nhiều bạn trẻ tuy chỉ là đội nhóm phong trào nhưng biểu diễn các bài hát truyền thống cách mạng, hát về Bác Hồ hay đến không ngờ”. Về vấn đề này, NSƯT Quỳnh Liên khẳng định: “Tôi nghĩ các bạn trẻ ngày nay không hề xa rời âm nhạc truyền thống cách mạng. Vấn đề là làm sao chúng ta khơi được những ngọn lửa nhiệt huyết ấy trong thanh niên TP. Trọng trách này thuộc về các tổ chức chính trị xã hội, trong đó Đoàn giữ vai trò chủ lực trong việc kết nối, tập hợp thanh thiếu niên”.
| |
Minh An