Từ bài viết Long đong sân khấu đến những tâm tư, trăn trở của những người làm nghệ thuật (đăng trên Báo SGGP số ra ngày 4-5-2015) đã cho thấy TPHCM cần phải xây dựng một chiến lược về văn hóa nghệ thuật (VHNT) để phát huy, phát triển về lâu dài các loại hình nghệ thuật biểu diễn, nhất là sân khấu truyền thống dân tộc.
Các diễn viên trẻ Sân khấu kịch Idecaf trong vở “Trần Quốc Toản ra quân”, vở kịch lịch sử được khán giả nhỏ tuổi yêu thích.
Hoạt động VHNT tiếp tục ì ạch
Ở Nhật, chính quyền xây dựng các trung tâm văn hóa cho các đơn vị nghệ thuật tư nhân thuê lại với giá rẻ trong vòng 5 - 10 năm để hoạt động nghệ thuật phục vụ cộng đồng. Ở Thái Lan có nhiều sân khấu xây dựng đúng chuẩn với những suất diễn quy tụ hàng trăm nghệ sĩ phục vụ 3.000 - 4.000 khán giả/suất. Ở nhiều nước trên thế giới, văn hóa luôn được chú trọng đầu tư phát triển với những chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho hoạt động tổ chức biểu diễn và nghệ sĩ: thuế thấp, chế độ đãi ngộ người tài cao, cơ sở vật chất khang trang...
Trở lại TPHCM, từ thực tế cho thấy, nếu không có chiến lược cụ thể để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển, các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục hoạt động ì ạch, làm tới đâu hay tới đó, khó có sự bứt phá, chuyển mình. Nhiều năm qua, có một nghịch lý đang tồn tại, cái cần không có, nơi khó hoạt động thì lại đầu tư: trong khi TP chưa có một sân khấu đàng hoàng, đáp ứng đủ hoạt động VHNT chuyên nghiệp thì lại có không ít công trình văn hóa được xây dựng lãng phí. Đó là những NVH quận huyện, phường xã được xây dựng mới, “ngốn” không ít kinh phí của Nhà nước, nhưng hoạt động không hiệu quả vì thiếu nhân sự có chuyên môn, eo sèo mỗi năm vài chương trình và nhiều nơi đã xuống cấp. TP cũng rất cần phải có một nhà hát đúng chuẩn, hiện đại, là nơi khán giả trong nước và du khách quốc tế có thể đến xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật đa dạng. Thế nhưng, TP chưa làm được điều này.
Tại TPHCM, hiện nay hoạt động VHNT đa phần là tự phát, còn thiếu sự đầu tư, hoạch định chiến lược phát triển lâu dài cho từng lĩnh vực nghệ thuật, từ sân khấu cải lương, hát bội, múa rối, kịch, xiếc, đến ca múa nhạc dân tộc, nghệ thuật đỉnh cao… Các đơn vị từ Nhà nước đến tư nhân vẫn hoạt động cầm chừng vì gặp nhiều khó khăn: cơ sở vật chất và các trang thiết bị âm thanh ánh sáng cũ kỹ; thiếu đội ngũ trẻ tài năng và tâm huyết; sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình giải trí mới…
Tìm giải pháp kịp thời
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng thực hiện dự án đưa kịch lịch sử vào học đường. Đến nay, hai vở Thánh Gióng và Trần Quốc Toản ra quân đã đến với 55 trường tiểu học, diễn hơn 70 suất với giá vé chỉ 10.000 đồng/vé. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ra mắt thêm hai vở Đinh Bộ Lĩnh và Trưng Nữ Vương phục vụ khán giả học đường”. Với giá vé chỉ 10.000đ để xem kịch tại trường học, tại sao Sở GD-ĐT TP không thể hỗ trợ vé cho các em?
Ngoài ra, vẫn còn các loại hình nghệ thuật như cải lương, hát bội, đờn ca tài tử… cũng rất cần tiếp cận với trẻ nhỏ để từng bước hình thành nên ý thức và xây dựng cảm xúc của các em về VHNT dân tộc, nhưng việc này hiện vẫn chưa được chú trọng.
Ông Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, trăn trở: “Trong lần công tác tại TPHCM, tôi có đến Sân khấu Hoàng Thái Thanh và tận mắt thấy những khó khăn của anh chị em nghệ sĩ về địa điểm biểu diễn. Không chỉ sân khấu này, mà một số đơn vị xã hội hóa tại TPHCM cũng gặp khó khăn như vậy. Họ không có địa điểm diễn chính thức, đều phải đi thuê, do không đảm bảo thời gian nên không được đầu tư về quảng cáo cũng như về cơ sở vật chất. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị có đề cập đến việc xây dựng phát triển VHNT trong thời kỳ mới và gần đây là đề án quy hoạch và phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến 2030, đã đề cập đến nhiều giải pháp để hỗ trợ cho việc phát triển VHNT, trong đó có sân khấu.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, Bộ VH-TT-DL sẽ chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cùng với TPHCM xây dựng một trung tâm biểu diễn có quy mô lớn. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy những giải pháp chi tiết, cụ thể về kinh phí, giải phóng mặt bằng, cấp đất, thiết kế và xây dựng đề án hoạt động. Mà thời gian từ nay đến đó còn rất ít, nếu không triển khai sớm, tôi e rằng đề án này khó thực thi”.
| |
THÚY BÌNH - NHƯ HOA