Gửi con học bán trú đã và đang là nhu cầu có thật của người dân TPHCM. Tuy nhiên, trước hàng loạt khó khăn về cơ sở vật chất, kết hợp với việc thiếu các quy định pháp lý rõ ràng về tổ chức hoạt động bán trú đã khiến các trường gặp khó trong việc nâng cao tỷ lệ bán trú cho học sinh. Trước tình trạng đó, một mô hình bán trú mới đã ra đời, góp phần giải cơn “khát” chỗ học cho người dân. Song hiệu quả liệu có như mong đợi?
TPHCM đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ có 100% học sinh tiểu học, 65% học sinh THCS và 40% học sinh THPT được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, ghi nhận từ các quận, huyện cho thấy mục tiêu này rất khó thực hiện. Có nơi còn mạnh dạn đưa luôn vào nghị quyết đại hội đảng bộ của địa phương, phấn đấu đến năm 2020 có 60% học sinh (tức chỉ hơn 1/2 chỉ tiêu chung của thành phố) được học 2 buổi/ngày. Vì sao như thế?
Do chưa có quy định tổ chức bán trú rõ ràng nên hiện nay mỗi trường tổ chức theo một kiểu. Trong ảnh: Nhân viên bảo mẫu đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp)
Khó nâng cao tỷ lệ bán trú
Báo cáo tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND TPHCM, ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho biết hiện nay trên địa bàn quận Tân Phú mới có bậc mầm non đảm bảo 100% học sinh học bán trú; ở tiểu học con số này chỉ đạt 23%; lên đến THCS, tỷ lệ này chỉ còn 10,3%, tập trung nhiều ở các trường ngoài công lập.
Theo ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú, với số lượng học sinh hiện tại, địa phương cần bổ sung thêm 1.200 phòng học nữa mới đáp ứng hết nhu cầu học bán trú cho tất cả học sinh. “Nếu số lượng học sinh đầu cấp học không tăng thêm thì với tiến độ xây dựng trường, lớp hiện nay, đến năm 2020 quận sẽ có 35% học sinh được học bán trú và 2 buổi/ngày. Song thực tế rất khó thực hiện, vì dân số sẽ không ngừng tăng cao qua mỗi năm”, ông Tân bày tỏ.
Theo kế hoạch trong giai đoạn 2015-2020, địa phương sẽ có thêm 25 công trình trường học với tổng số phòng xây mới lên đến 628 phòng, giải quyết phần nào bài toán chỗ học. Nhưng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của UBND thành phố là nhiệm vụ rất khó thực hiện.
Tương tự ở quận Gò Vấp, ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận, cho biết tỷ lệ học sinh tiểu học đang học 2 buổi/ngày trên địa bàn quận là 59,6%, đối với THCS con số này chỉ đạt 50,37%. Trong đó, một số trường thuộc các địa bàn “nóng” như Tiểu học An Hội chỉ có 28,2% học sinh, THCS Phạm Văn Chiêu 27,10% học sinh được học bán trú.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Tuấn cho biết, hiện nay quận còn 2 phường chưa có trường tiểu học công lập là phường 9 và 12, nên các phường khác phải “gánh” số học sinh của 2 phường này. Trong đó, Tiểu học An Hội nhiều năm qua được mệnh danh là “trường tiểu học đông học sinh nhất TPHCM” với tổng số 88 lớp, hơn 4.100 học sinh đang theo học. Bà Phan Thúy Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hội, cho biết hiện nay trường chỉ tổ chức được 23 lớp bán trú với hơn 1.100 học sinh đang theo học. 65 lớp còn lại, các em phải học một buổi hoặc được cha mẹ gửi học 2 buổi tại các nhóm trẻ tự phát mọc lên xung quanh trường.
Riêng ở quận Tân Bình, ông Phan Văn Quang, Phó phòng GD-ĐT quận, cho biết do số lượng học sinh tuyển mới vào lớp 1 hàng năm cao nên các trường phải chuyển học sinh các khối 2, 3, 4, 5 từ 2 buổi sang học 1 buổi/ngày, ưu tiên dành phòng bán trú cho học sinh lớp 1. Hiện toàn quận chỉ có 64,73% học sinh tiểu học và 20,1% học sinh THCS được học 2 buổi/ngày.
Thiếu quy định hướng dẫn
|
Theo đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng dự án quận Gò Vấp, trước năm 2011, tất cả công trình xây dựng trường học có tổ chức lớp bán trú đều vận dụng các quy định, tiêu chuẩn xây dựng và thiết kế của trường nội trú để thực hiện dự án. Từ sau năm 2011 đến nay, thành phố đã ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn thiết kế cho trường học có lớp bán trú nhưng chỉ quy định về sảnh ăn, bếp ăn, chưa có bất kỳ hướng dẫn nào về việc xây dựng chỗ ngủ hoặc khu vực nghỉ trưa cho học sinh. Đồng quan điểm, ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết, Điều lệ Trường tiểu học hiện nay không có khái niệm “trường bán trú” mà chỉ có loại hình trường bán trú dân tộc. Do đó hiện nay, tất cả khâu quản lý, tổ chức đất đai, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh cho lớp bán trú đều chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, thiếu hành lang pháp lý để kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, theo ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cũng do thiếu các quy định về tổ chức bán trú nên hiện nay các trường đều gặp khó khăn trong vấn đề tìm lao động cho các vị trí bếp trưởng, cấp dưỡng và nhân viên bảo mẫu. Theo đó, do không có trong quy định biên chế nên các trường phải ký hợp đồng làm việc ngắn hạn với các đối tượng lao động này, trả lương bằng nguồn thu phí phục vụ bán trú của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, theo thừa nhận của ông Tạ Tân, trường nào tổ chức hạch toán tốt, trả lương cao mới giữ được chân người lao động. Ngược lại, đơn vị nào trả lương thấp buộc phải chấp nhận tình trạng đội ngũ thường xuyên biến động vì các cô xin nghỉ việc, chuyển qua nghề khác hoặc trường khác có thu nhập cao hơn. Thêm vào đó, theo bà Phan Thúy Trang, đối với lực lượng lao động ngoài biên chế này, các trường cố gắng lắm cũng chỉ trả lương được 10 tháng, những tháng còn lại học sinh nghỉ hè chỉ có thể mua bảo hiểm xã hội vì không có nguồn thu trả lương cho các cô. Đó là thực trạng đã tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa có biện pháp tháo gỡ.
| |
THU TÂM