Là sinh viên Trường ĐH Y Dược TPHCM, mỗi bạn đến từ một vùng đất xa xôi, cùng sống tại ký túc xá 540 Ngô Gia Tự. Mỗi bạn một chuyên ngành, một lứa tuổi, nhưng các bạn đều là những người có cùng một tâm huyết: muốn vượt qua những khó khăn đời sinh viên để trở thành những y bác sĩ giỏi cho quê hương mình. Sau đây là 3 trong số 25 gương mặt sinh viên Trường ĐH Y Dược TPHCM được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng 2011.
Nguyễn Thị Thùy Trang: Nối nghiệp cha
“...Ba em bị tai nạn lao động và thương tật tỷ lệ 55%. Sức khỏe của ba không được tốt nên em muốn xin suất học bổng này để phụ giúp một phần nhỏ nhoi cho gia đình và việc học tập được tốt hơn”. Đó là những lời bộc bạch của bạn Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên năm 4 Trường ĐH Y Dược TPHCM, nhà ở TP Pleiku.
Trang tâm sự: “Em chọn nghề thầy thuốc là do sự ngưỡng mộ về nghề nghiệp của cha mình”. Cha của Trang là Trung tá Quân y của Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, thuộc đội K52 làm công tác đi tìm hài cốt liệt sĩ ở chiến trường Campuchia. Trong một chuyến công tác, cha của Trang bị tai nạn lao động khiến mắt trái bị mù hoàn toàn, thường đau nhức mỗi khi trở trời. Thương cha, Trang muốn nối nghiệp và quyết chí thi vào Trường ĐH Y Dược TPHCM.
Suốt 4 năm qua, Trang luôn học giỏi và liên tục được nhận học bổng của trường 180.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, với học phí 3,4 triệu đồng/năm, số tiền học bổng này cũng chỉ gỡ khó khăn một phần cho cuộc sống sinh viên ngành y của Trang.
Trang cho biết: “Học bổng Nguyễn Văn Hưởng sẽ giúp đỡ em rất nhiều trong thời gian học tới”. Trang mơ ước sau khi ra trường sẽ học tiếp, còn nếu không sẽ về quê, khoác áo blouse làm việc và giúp đỡ những người dân vùng núi Tây Nguyên.
Tôn Thất Hoàng: Tiết kiệm tối đa chi phí học tập
“Chi phí của bọn em chủ yếu là tiền mua sách để học, những sách thường thì photo cho rẻ, còn những sách hình màu thì phải mua sách xuất bản, nhiều và đắt lắm”, Tôn Thất Hoàng, lớp phó Y05F Trường ĐH Y Dược TPHCM, tâm sự. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại TP Đà Nẵng, cha đạp xích lô, vừa bị tai biến mạch máu não không thể làm được gì. Mẹ trở thành trụ cột gia đình với công việc tạp vụ ở một ngôi trường cấp hai. Đồng lương ít ỏi của mẹ phải chắt chiu để lo cho cha. Tôn Thất Hoàng và em trai chính là niềm hạnh phúc nhất của cha mẹ khi cả hai đậu Đại học Y Dược TPHCM.
Cũng như nhiều sinh viên khác, tiền mua sách nghiên cứu là vấn đề nan giải. Ngoài các loại sách học chính quy, còn những loại sách tham khảo với hình ảnh màu chất lượng cao dành cho nghiên cứu y khoa, giá trên 200.000 đồng và nhiều loại khác nhau. Nhờ cố gắng học tập, Hoàng nhận được học bổng của trường, và nhờ vào chương trình cho vay tín dụng của nhà nước, Hoàng cũng đỡ vất vả hơn.
Thời gian rảnh những năm đầu, Hoàng đi làm gia sư kiếm được 600.000 đồng/tháng. Còn bây giờ đã là năm thứ 5, lịch học và thi không kịp thở, mì gói trở thành thực phẩm chuyên dụng để tiết kiệm chi phí. Hoàng nói, nhiều lúc nản định bỏ cuộc, nhưng nghĩ mẹ vất vả chắt bóp cho mình đi học nên phải cố gắng vượt qua khó khăn.
K’BRIL: Mong muốn xây dựng thôn buôn
“Nơi em ở còn rất nghèo, dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe còn rất hạn chế. Nhiều người chưa bao giờ biết đến bệnh viện mà thường đi chữa chỗ thầy lang, thầy cúng. Nên em rất mong được về quê hương để góp phần nhỏ xây dựng thôn buôn. Nhưng trước khi về em muốn có một vốn kiến thức tương đối, chính vì vậy em phải học xong chuyên khoa I”. Những dòng chữ trong giấy đề nghị xét học bổng Nguyễn Văn Hưởng như lời hứa của bạn K’Bril sinh viên năm thứ 5 Trường ĐH Y Dược TPHCM. K’Bril là người K’ho, sống tại thôn Duệ Linh, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
Đây là năm thứ hai K’Bril nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng của Báo SGGP. Những năm đầu, K’Bril đến ở nhờ phòng trọ của một người anh em. Buổi tối K’Bril ngủ dưới sàn, sáng đi bộ đến trường học. Sau này K’Bril mua chiếc xe đạp của mấy đàn anh ra trường trị giá vài chục ngàn đồng để làm phương tiện đi lại và xin vào trọ ký túc xá. Cũng chính từ những khó khăn đó, K’Bril luôn phấn đấu trong học tập và đạt thành tích học tập khá.
|
HẠ MI - ĐỨC CƯỜNG