Học cho ai...?

Trong xã hội hiện đại ngày nay, trẻ em được quan tâm, được tạo nhiều điều kiện để vui chơi, giải trí, học tập... nhằm phát huy hết khả năng của các em. Điều đó đúng nhưng hình như chưa đủ, dường như các bậc cha mẹ chính vì quá thương con, quá quan tâm đến con cái nên đã vô tình làm mất đi quyền tự do của các em.

Hàng ngày, trên cả nước, đặc biệt ở các đô thị lớn, hình ảnh những em học sinh được bố mẹ dìu dắt đi học từ sáng đến tối, kể cả thứ bảy, chủ nhật, hết học chính đến học thêm, hết học chữ thì học năng khiếu thi ca hội họa, võ thuật... không ít em đã không còn biết cảm nhận, thưởng thức niềm vui của tuổi thơ!

Nhỏ thì vậy, khi chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành, khi chuẩn bị tốt nghiệp trung học phổ thông để vào đời, không ít các em lại tiếp tục được cha mẹ dìu dắt “Con phải thi vào đại học, phải học trường này ngành kia... “ và phần nhiều trong số các em lại tiếp tục chiều cha mẹ. Thậm chí có em phải học những ngành mà mình hoàn toàn không thích, không có chút gì đam mê, nhưng rồi vẫn phải học cho cha mẹ.

Với không ít bậc phụ huynh, khi có con không đậu đại học, chí ít là cao đẳng mà phải đi học trung cấp nghề, phải đi học nghề, phải làm công nhân... thì đấy là sự hổ thẹn của gia đình. Với họ, con đường vào đại học là con đường duy nhất để ra đời, để thành công, chí ít là cũng làm rạng rỡ gia đình dòng tộc.

Đã có những chuyện bi hài xảy ra khi những người vừa tốt nghiệp đại học phải dấu bằng để xin được làm công nhân. Có những cử nhân khi nộp đơn xin việc thì người tuyển chọn mình chính là những người bạn học cùng phổ thông nhưng không thi vào đại học mà đi học nghề và sau 5 năm nay đã là quản lý của các dây chuyền sản xuất. Và có những người con sau 4-5 năm mài đũng quần trên giảng đường đại học theo yêu cầu cha mẹ, khi ra trường xin cha mẹ để được bắt đầu học ngành mình yêu thích...

Vào đại học chắc chắn không phải là con đường duy nhất để bước vào đời thành công, tại TPHCM, trong giai đoạn 2015-2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực dự báo mỗi năm có khoảng 260.000-270.000 chỗ làm việc (130.000 chỗ làm việc mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, với nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất 35%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 20%, trình độ cao đẳng chiếm 15%, trình độ đại học chiếm 13%, trên đại học chiếm 2%. Rõ ràng cơ hội kiếm việc sau khi tốt nghiệp đại học thấp hơn nhiều so với học trung cấp.

Nói nguyên nhân, lý do thì nhiều, từ lỗi quy hoạch đào tạo, dự báo nguồn nhân lực, tư vấn hướng nghiệp... đến việc học theo phong trào, học ngành "hot", học để thực hiện ước mơ của cha mẹ. Còn trách nhiệm thì quy chung là trách nhiệm của xã hội. Chỉ hậu quả là đổ hết lên vai các thế hệ trẻ. Ai cũng một thời tuổi trẻ, cũng có ước mơ, hoài bão, đam mê vì thế hãy để thế hệ trẻ hôm nay được theo đuổi đam mê, hoài bão và ước mơ của mình chứ không phải là con rối để thực hiện ước mơ của các thế hệ trước.

Sài Gòn Giải Phóng Thứ bảy

Tin cùng chuyên mục