Học kiểu Australia

Hôm trước, cô em ở Việt Nam than rằng trẻ con ở Việt Nam phải học nhiều quá! Không như bên này, việc học của trẻ em Australia, trong đó có trẻ em gốc Việt, lại rất nhẹ nhàng. 
Học sinh vui chơi tại Centennial Park, Sydney
Học sinh vui chơi tại Centennial Park, Sydney
Theo quy định, các trường học tại Australia bắt đầu mở của từ 9 giờ sáng và kết thúc vào lúc 16 giờ. Do vậy, học sinh có thể ngủ thoải mái, không phải lo dậy sớm. Chương trình học ở trường thì nhẹ, không phải trả bài đầu giờ, không có bài tập về nhà; nội dung học thiên về tư duy và tự khám phá thông qua các hoạt động ngoại khóa.
Chỉ vào chiều thứ sáu hàng tuần, giáo viên mới ra bài về nhà và đúng một tuần sau, học sinh mới nộp bài. Độ dài bài về nhà thường là chỉ gói gọn trong 1 trang giấy A4. Kiểu vừa học vừa chơi khiến học sinh không bị áp lực và làm các em mê trường mê lớp, xem việc đi học là một niềm vui mỗi ngày. 
Ngoài chuyện học, trẻ Việt ở Australia, cụ thể là ở Sydney, cũng có nhiều sân chơi, tạo điều kiện phát triển tốt cho các cư dân nhỏ tuổi. Một đặc điểm đáng chú ý nữa của Sydney nói riêng và Australia nói chung là có rất nhiều công viên; khu nào cũng xanh tươi, rộng lớn.
Có lẽ đây chính là một trong những điểm cộng giúp Sydney cũng như Australia nhiều năm liền lọt vào tốp 10 trong danh sách các thành phố và quốc gia đáng sống nhất thế giới. Khu vực trung tâm Sydney đang sở hữu một loạt công viên nổi tiếng như Royal Botanic Garden, Queen Park, Hyde Park, Centennial Park... Hàng tuần, các em học sinh đều có giờ ngoại khóa ở công viên và thông qua các buổi học này, các em được giáo dục ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường. Công viên cũng thường được chọn làm nơi tổ chức đám cưới, sinh nhật, lễ hội... trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Australia, trong đó có trẻ em người Việt. 
Sau công viên và cây xanh, sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến động vật hoang dã. Có thể nói, trẻ em gốc Việt tại Australia được giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên hàng đầu thế giới. Thiên nhiên ở đây bao gồm thế giới dành cho tất cả các chủng loài động thực vật đang hiện hữu. Đối với người dân Australia, các công viên luôn được chăm sóc bảo vệ. Trong khi đó, rừng được xem là tài sản, là kho báu của quốc gia. Bất kỳ sự xâm phạm nào cũng bị luật pháp nghiêm trị.
Ở xứ sở này, không bao giờ có chuyện một cá nhân hay một tổ chức nào đó ngang nhiên xách súng vào rừng săn bắn thú hiếm hoặc xách cưa vào rừng đốn gỗ quý đem về nhà làm của riêng. Mọi hoạt động khai thác thiên nhiên đều do chính phủ trực tiếp giám sát. Minh chứng cụ thể là mới đây, một gia đình nọ đã bị chính phủ phạt đến cả triệu AUD chỉ vì bắt ốc với số lượng vượt mức cho phép. Ở Australia mọi quyết định sau cùng của chính phủ đều phải được thực thi, không có trường hợp ngoại lệ.
Cũng nhờ vậy mà người dân Australia bao giờ cũng được đánh giá là bạn tốt nhất của thiên nhiên hoang dã. Có thể nói, các loài chim là chủ bầu trời của Australia; mặt đất là nơi trú ngụ yên bình của hàng ngàn loài thú, còn nơi biển khơi, những sinh vật biển được sống trong làn nước trong lành, tươi mát.

Tin cùng chuyên mục