Học ngoài xã đảo

Năm học này là năm thứ hai, 65 học trò học lớp 10 và 11 ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) không phải dậy sớm để kịp chuyến đò vào đất liền đến trường. Nhưng đổi lại, thầy cô trong thị trấn Cần Thạnh ngày ngày lại thay nhau đi đò, vượt biển ra đảo để dạy học.
Thầy và trò lớp 10A7 Trường THPT Cần Thạnh tại phân hiệu Thạnh An
Thầy và trò lớp 10A7 Trường THPT Cần Thạnh tại phân hiệu Thạnh An

Học trò bớt cực

Nằm ở cuối huyện Cần Giờ, xã đảo Thạnh An tách biệt với đất liền, phương tiện di chuyển duy nhất là 45 phút ngồi đò. Cũng vì cách trở, đường tới trường khó khăn như vậy nên nhiều học sinh ở độ tuổi học cấp 3 phải gác lại ước mơ đến lớp để ở nhà phụ cha mẹ mưu sinh.

Năm học 2015-2016, xã đảo có khoảng 200 em học sinh học cấp 3, nhưng chỉ một số ít có điều kiện vào thị trấn học. Hiểu được thiệt thòi cũng như khó khăn của học trò xã đảo, năm 2016, lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo thành lập phân hiệu trường cấp 3 ngay tại xã để học trò đi học thuận lợi hơn. Vậy là năm học 2016-2017, năm đầu tiên phân hiệu Trường THPT Cần Thạnh được mở “ké” tại Trường THCS Thạnh An với 28 học trò theo học lớp 10.

Dù nhà ở tận ấp đảo Thiềng Liềng, phải dậy từ 4 giờ 30 phút sáng để kịp chuyến đò vào xã đảo nhưng Nguyễn Phan Ngọc Hoài, học sinh lớp 10A7 đã rất mãn nguyện khi quãng đường đi học được rút ngắn.

Hoài tâm sự: “Trước đây ngoài ấp em ở cũng có vài anh chị học cấp 3 nhưng vì đi lại khó khăn quá nên hiếm người trụ lại được. Năm nay lứa tụi em được học trong xã, chỉ phải ngồi một chuyến đò nên bớt cực rất nhiều. Ngồi đò tới trường em mới thấu hiểu và luôn biết ơn tấm lòng của thầy cô khi nỗ lực, không ngại nắng mưa ra đảo để dạy học”.

Cũng có hai chị gái phải ở ký túc xá trong thị trấn để học cấp 3, Đỗ Thị Kim Thoa, học sinh lớp 10A7 là người cảm nhận rất rõ sự thuận lợi khi điểm trường được mở ngay trong xã. Kim Thoa cho biết: “Ngày trước chị gái em phải ở trọ trong thị trấn Cần Thạnh, cuối tuần mới về nhà nên các chị phải tự lập từ rất sớm. Em may mắn hơn khi được học ở gần nhà, được ba mẹ chăm sóc nên có thời gian tập trung vào việc học hơn”.

Năm học này là năm thứ hai Nguyễn Thị Kim Phụng (học sinh lớp 11A7) học tại phân hiệu Thạnh An của Trường THPT Cần Thạnh. Việc học gần nhà giúp em có thể đỡ đần ba mẹ làm đan nuôi hàu, ngoài giờ học, em giúp ba mẹ việc nhà. Ngoài học kiến thức, thầy cô rất gần gũi, yêu thương và chịu khó chỉ dạy các em không về kiến thức môn học và cách giao tiếp xã hội, cách đối nhân xử thế.

Thầy cô xung phong vượt biển

Cô Đào Thị Vỵ, giáo viên môn giáo dục quốc phòng là một trong những giáo viên đầu tiên xung phong ra xã đảo Thạnh An. Nhớ lại những ngày đầu ra đảo, cô không quên được cảm giác bị say sóng khi đi dạy vào những ngày gió chướng. Những lúc ấy, cô tự hỏi tại sao mình lại chọn nơi như thế này để dạy? Mình sẽ trụ được bao lâu? Nhưng khi bước chân đến lớp, bao mệt mỏi, lo lắng của cô gần như tan biến khi nhìn thấy gương mặt vô tư, hồn nhiên của các em học sinh.

Cô Vỵ tâm sự: “So với bạn học cùng trang lứa trong đất liền, học sinh ở đây vô tư ngây thơ khác hẳn. Thấy các em ham học, lễ phép, chịu khó, tôi cảm thấy có động lực, gắn bó với lớp với trường hơn. Tôi dần cảm thấy gắn bó, quen thuộc những chuyến đi dạy hàng tuần tại xã đảo. Tôi hy vọng mình sẽ nỗ lực góp sức trong việc truyền tải kiến thức xã hội, tri thức, giúp các em vững tin vào đời”.

Thầy Ngô Văn Hội, giáo viên môn sinh học cho biết, các em ở phân hiệu cũng được tham gia các hoạt động phong trào của trường đầy đủ (các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể thao…). Các em được miễn phí hoàn toàn tiền học phí, tiền học hai buổi và tiền đi lại qua đò.

Vì cơ sở vật chất của Trường THCS Thạnh An còn khó khăn nên việc học tập và tiếp cận kiến thức của học sinh tại phân hiệu này còn nhiều hạn chế. Mặc dù vậy, khó khăn tới đâu nhà trường khắc phục tới đó. Ngoài việc tự  trang bị dụng cụ dạy học cần thiết, các giáo viên cũng được Trường THCS Thạnh An hỗ trợ tối đa thiết bị dạy học. Một số môn cần thực hành như  tin học, thực hành thí nghiệm, giáo dục quốc phòng, trường đã lên phương án cho các em di chuyển vào cơ sở chính để học.

Với các học trò ở ấp Thiềng Liềng, do điều kiện đi lại phụ thuộc giờ giấc các chuyến đò nên các em thường phải về sớm hơn các bạn 15 phút/ngày. Để các em nắm đủ kiến thức, thầy cô thường cho bài tập về làm thêm và bồi dưỡng, bổ sung kiến thức vào các giờ phù hợp.

Ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, động viên giáo viên trẻ xa nhà, giáo viên có con nhỏ, được điều động giảng dạy bên xã đảo Thạnh An nên các thầy cô rất yên tâm công tác. Bên cạnh đó, các thầy cô có tiết dạy ở xã đảo Thạnh An cũng được Ban giám hiệu phân công giảng dạy hợp lý tại cơ sở chính để bớt vất vả. Ban Giám hiệu của trường cũng thường xuyên ra đảo thăm lớp, dự giờ các tiết dạy, tạo điều kiện học tập cho các em để có biện pháp khắc phục cải thiện những khó khăn của thầy trò ở đây.

Thầy Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh cho biết, khi có quyết định thành lập Trường THPT Cần Thạnh phân hiệu Thạnh An, không chỉ phụ huynh và học sinh xã đảo vui mừng mà các giáo viên cũng rất phấn khởi. Năm đầu tiên, cả 5 giáo viên là tổ trưởng của 5 tổ chuyên môn đều xung phong ra đảo dạy học, năm nay mọi hoạt động đã ổn định, các tổ tự phân công, điều động giáo viên. Hiện có 13 giáo viên luân phiên nhau ra đảo đứng lớp, mỗi ngày cắt cử từ 2-3 thầy cô.

Thầy Hân tâm sự: “Trải qua 1 năm, không quản nắng mưa và thiếu thốn về mọi mặt nhưng các thầy cô luôn nỗ lực hết mình để các em không thua kém bạn bè về kiến thức. Năm học mới đã đến, con đường đi học của học trò xã đảo đã gần hơn, những khó khăn của thầy cô vẫn còn đó nhưng chỉ cần học trò vui, chăm ngoan, học giỏi là chúng tôi sẽ vượt qua tất cả”.

Tin cùng chuyên mục