Học sinh Hà Nội tiếp tục nghỉ đến 23-2

Hơn 2 triệu học sinh Hà Nội từ mầm non tới THPT được nghỉ thêm một tuần, từ 17 đến hết 23-2 để phòng chống dịch Covid-19.
Phun thuốc khử khuẩn tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM)
Phun thuốc khử khuẩn tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM)

Quyết định được Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chiều 14-2. Đây là lần thứ ba liên tiếp UBND Hà Nội cho học sinh nghỉ học một tuần.

Trước đó, học sinh Hà Nội đã nghỉ Tết Canh Tý 8 ngày, từ 22 đến 29-1. Sau hai ngày 30 đến 31-1 đi học bình thường, UBND thành phố liên tiếp ra hai quyết định nghỉ học, từ 3 đến 9-2 và từ 10 đến 16-2 để phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thông tin, thời điểm 2-3 ngày trước, dư luận phấn khởi, mong muốn con đi học vào tuần tới. Tuy nhiên, sau khi có thông tin số ca nhiễm bệnh và tử vong ở Trung Quốc tăng nhanh và cao, dư luận có chiều hướng đề xuất cho con nghỉ học. Sở GD-ĐT Hà Nội đã họp với Sở Y tế, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thống nhất phương án đề xuất với thành phố cho học sinh nghỉ thêm một tuần để các trường tiếp tục công tác khử khuẩn. Qua tham khảo ý kiến của người dân, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đề xuất của Sở GD-ĐT, Sở Y tế, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội quyết định cho học sinh toàn thành phố Hà Nội nghỉ thêm một tuần.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất Bộ GD-ĐT tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm như nhiều quốc gia khác thực hiện. Có thể nghỉ hè chỉ kéo dài 35 ngày, nghỉ Tết một tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại kéo dài 2 tuần. Thời gian này đảm bảo kích thích tiêu dùng, phân luồng giao thông…

Như vậy, sau Vĩnh Phúc, Hà Nội tiếp tục cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần. Vĩnh Phúc hiện có 11 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Hà Nội là địa phương khá gần Vĩnh Phúc, đa phần phụ huynh tán thành việc cho học sinh nghỉ học thêm thời gian nữa.

Riêng khối các trường đại học, hiện nhiều trường cũng thông báo kéo dài thời gian nghỉ cho sinh viên đến hết tháng 2. Đa số trường cho nghỉ thêm một tuần, từ 17-2 đến hết 23-2, triển khai học trực tuyến và không tiếp nhận sinh viên vào ký túc xá. Đơn cử như Đại học Thương mại lần thứ ba gia hạn cho sinh viên nghỉ, từ ngày 17-2 đến khi có thông báo mới. Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng thông báo kéo dài thời gian nghỉ cho sinh viên từ 17-2 đến hết 23-2. Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng kéo dài kỳ nghỉ đến 23-2 do tình hình dịch diễn biến phức tạp. Đại học Thái Nguyên thông báo cho hơn 55.000 sinh viên nghỉ đến 1-3. Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cho nghỉ đến 9-3. Nhiều trường đại học, cao đẳng tại TPHCM cũng cho sinh viên nghỉ hết 23-2.

Chiều 13-2, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương không có dịch có thể cho học sinh trở lại trường sau khi đã tiêu độc, khử trùng. Với địa phương có bệnh nhân nhiễm Covid-19, Sở GD-ĐT phải tiếp tục theo dõi và chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã có biện pháp phòng bệnh, người nhiễm bệnh đã được cách ly và không phát sinh ca mới. Tuy nhiên, sáng 14-2, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, phải an toàn mới cho học sinh đến trường trở lại. Đồng thời, ngành giáo dục tuyên truyền để học sinh, phụ huynh an tâm. Phó Thủ tướng khẳng định: “Đã đi học trở lại, trường lớp phải thực sự an toàn. An toàn cả dưới góc độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh và phụ huynh. An toàn và an tâm. Không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học".

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ GD-ĐT sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Dù một số địa phương báo cáo Bộ GD-ĐT việc sẽ cho học sinh đi học trở lại từ ngày 17-2 sau 2 tuần tạm nghỉ để phòng, phòng chống dịch Covid-19 nhưng Bộ trưởng khuyến cáo, do tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các địa phương cần cân nhắc rất kỹ phương án cho học sinh đi học trở lại. Chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, Bộ GD-ĐT cũng đã có các kịch bản ứng phó với tình hình dịch, trong đó có việc lùi các mốc thời gian trong kế hoạch năm học chung, đặc biệt là sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Đây là cơ sở để các địa phương thuận lợi trong việc giãn khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 và triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, trong đó có phương án cho học sinh tiếp tục nghỉ học (nếu cần thiết). Việc lùi thời điểm kết thúc năm học sẽ gây một số khó khăn cho ngành và các địa phương; tuy nhiên qua phân tích vẫn có thể khắc phục được bằng các giải pháp quản lý phù hợp của từng nhà trường, tại từng địa phương. Việc phòng, chống dịch bệnh dù được chuẩn bị tốt đến mấy cũng không thể chủ quan. Vì vậy, các địa phương phải đặc biệt chú ý đến khâu an toàn, an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên là trên hết.

Tin cùng chuyên mục