Học sinh vẫn quay lưng với trường nghề

Hụt hẫng
Học sinh vẫn quay lưng với trường nghề

Dù đã được cảnh báo, mổ xẻ nhiều năm qua nhưng đến nay câu chuyện hướng nghiệp cho học sinh phổ thông vẫn “dậm chân tại chỗ” và xu hướng “thầy nhiều hơn thợ” vẫn thắng thế.

Ngày càng ít thanh niên chọn học nghề kỹ thuật.

Ngày càng ít thanh niên chọn học nghề kỹ thuật.

Hụt hẫng

Nhiều học sinh THPT khi được hỏi về nghề nghiệp tương lai tỏ ra mù mờ và lúng túng, không biết rõ mình thích gì, muốn làm gì trong tương lai. Một số khác thì hùng hồn tuyên bố mình thích ngành này, nghề kia nhưng hỏi sâu hơn thì không thể hình dung về công việc mình sẽ làm đòi hỏi những tố chất gì và áp lực ra sao. Điều này cho thấy phần đông học sinh THPT khi bước vào cánh cửa tương lai không biết định hướng nghề nghiệp, sở thích. Vì sao?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hụt hẫng này, trong đó vai trò hướng nghiệp, phát hiện năng lực, sở trường của học sinh tại các trường phổ thông hầu như mờ nhạt. Kết quả điều tra cho thấy, đội ngũ giáo viên phụ trách giảng dạy hướng nghiệp tại các trường phổ thông chưa được đào tạo chính quy và hầu hết đều kiêm nhiệm, lấy từ giáo viên bộ môn. Vì thế họ thiếu kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh ngay từ các bậc học phổ thông. Hạn chế nữa là chương trình giáo dục hướng nghiệp khô khan, thiếu “chất nhựa” cuộc sống. Hình thức hướng nghiệp cũng xa rời thực tiễn, học sinh chỉ học lý thuyết là chính và ít khi được tham quan thực tế ở các nhà máy, doanh nghiệp, dây chuyền sản xuất, cơ sở nghiên cứu khoa học, vườn ươm nuôi trồng, chế biến thủy hải sản…

Do ít được va chạm thực tế, không hiểu rõ tính chất, yêu cầu về ngành nghề, công việc sẽ làm trong tương lai, nhiều học sinh nhắm mắt chọn nghề theo số đông, xu hướng thời thượng và một phần theo sở thích của cha mẹ. Có không ít học viên học năm 1- 2, mới nhìn ra sự thật là mình chọn sai ngành học, năng lực không phù hợp rồi chán học, bỏ học hoặc phải bắt đầu lại từ số không. Điều này không chỉ gây lãng phí cho xã hội mà còn tác động lệch đến cơ cấu ngành nghề, trình độ lao động của nước ta.

Giúp học sinh chạm vào thực tế

Trong khi các nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp đang “khát” nguồn lao động có tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp ở bậc nghề thì các trường nghề, TCCN luôn rơi vào cảnh đìu hiu thiếu người học. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, chỉ khoảng 5% - 6% trong số học sinh tốt nghiệp THCS chịu rẽ sang các trường nghề.

Tại buổi giám sát của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về thực hiện các chính sách dạy nghề ở TPHCM mới đây, có đại biểu đặt vấn đề: “Ba loại hình trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề và trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề có vai trò như thế nào đối với việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh?”. Thực tế cho thấy, học sinh có học lực không thể vào bậc THPT, thay vì chọn học nghề thì lại rẽ sang các trung tâm giáo dục thường xuyên và tại đây, các em lại “vật vã” với việc nhồi kiến thức để tiếp tục thi vào CĐ, ĐH chứ không chịu vào các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Vậy lỗi tại ai?

Nhìn sang các nước phát triển và các nước trong khu vực, họ làm rất tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh ngày từ bậc THCS nên tỷ lệ học sinh vào các trường nghề luôn đạt 40% trở lên. Còn ở ta, mọi chủ trương, giải pháp chỉ nằm trên giấy, chồng chéo, bất cập về quản lý, thiếu động lực từ chính sách học nghề, lương bổng… Đây chính là rào cản kìm hãm mọi quyết tâm nâng cao tỷ lệ học nghề, đào tạo lực lượng làm thợ cao hơn làm thầy.

Đưa ra giải pháp đột phá cần làm ngay, nhiều chuyên gia cho rằng phải sửa đổi chính sách về lương bổng đối với người thợ - lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề. Ở các nước phát triển, một công nhân kỹ thuật hoặc người thợ có tay nghề, kỹ năng cao có thể được trả lương gần bằng hoặc tương đương với cử nhân, kỹ sư, còn ở ta họ cứ lẹt đẹt với bậc lương thấp. Điều này cho thấy muốn thay đổi tư duy, khuyến khích giới trẻ chọn con đường học nghề thì ngoài tạo niềm tin, nhà nước cần phải có chính sách trả lương, đãi ngộ tương xứng cho đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề, kỹ năng cao. Có như thế họ mới yên tâm gắn bó với nghề và công việc người thợ.

  • Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Phạm Ngọc Thanh

"Từ năm học này, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Trung tâm Thông tin hướng nghiệp Ngôi Nhà Xanh thực hiện dự án hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Dự án mang tính xã hội hóa này sẽ trở thành cầu nối giữa ngành GD-ĐT TPHCM và các doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, tạo sân chơi trải nghiệm mới cho học sinh trong hành trình khám phá, tìm hiểu sở trường và chọn lựa nghề phù hợp với năng lực bản thân"

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục