Học sử ở bảo tàng

“Có thể nói, thời nhà Trần đã tạo dựng được rất nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quân sự, tôn giáo…”, sau chương trình học sử tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, một nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 cứ nấn ná đứng lại tranh thủ khai thác tư liệu từ người thuyết minh của bảo tàng. Hàng ngàn học sinh tiểu học và THCS tại TPHCM đã có những giờ học sử khá sinh động và thú vị như thế tại bảo tàng.
Học sử ở bảo tàng

“Có thể nói, thời nhà Trần đã tạo dựng được rất nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quân sự, tôn giáo…”, sau chương trình học sử tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, một nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 cứ nấn ná đứng lại tranh thủ khai thác tư liệu từ người thuyết minh của bảo tàng. Hàng ngàn học sinh tiểu học và THCS tại TPHCM đã có những giờ học sử khá sinh động và thú vị như thế tại bảo tàng.

Học từ hình ảnh, hiện vật

Để phục vụ cho bài ghi nhận chủ đề “Hãy giới thiệu về một giai đoạn lịch sử hay một chuyên đề lịch sử mà nhóm em cảm nhận sâu sắc nhất sau khi tham quan Bảo tàng Lịch sử TPHCM”, “Chúng ta cần làm gì để giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc?”, nhóm của bạn Đặng Đức Trí, học sinh lớp 6/2 Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 đã tranh thủ “bắt cóc” người thuyết minh  để tìm kiếm thêm những thông tin cần thiết. Phân công nhiệm vụ đâu đấy rõ ràng, Đức Trí hỏi, còn hai bạn Nguyễn Lê Anh Thy và Từ Yến Phương thì thay nhau ghi chép thông tin. Những gạch đầu dòng ngắn gọn trên cuốn tập dần dài ra… Đây là một trong những ghi nhận thực tế của chương trình “Giờ học sử tại bảo tàng” do Bảo tàng Lịch sử TPHCM phối hợp với các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận 1, TPHCM tổ chức thực hiện từ nhiều tháng qua.

Các em học sinh Trường THCS Nguyễn Du xem xác ướp Xóm Cải tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Ảnh: LÊ MINH

Trước đó, ngay từ đầu năm học, Bảo tàng Lịch sử TPHCM phối hợp cùng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa hàng trăm học sinh đến học sử tại bảo tàng, nhằm giúp các em có những kiến thức cơ bản của chương trình lịch sử đang được giảng dạy tại trường. Qua 7 tiết học với 2 nội dung chính “Nhà Lý dời đô ra Thăng Long”, “Hơn 80 năm chống thực dân Pháp xâm lược đô hộ (1858-1945)” và sự khám phá trực quan sinh động thông qua những hiện vật, hình ảnh, tư liệu trưng bày trong bảo tàng cùng những câu chuyện kể về các danh nhân, những chiến thắng vẻ vang trong lịch sử dân tộc… đã giúp các em học sinh khối 4 và khối 5 thêm yêu thích môn lịch sử, khơi gợi tình yêu dân tộc để phấn đấu trở thành học sinh giỏi, công dân tốt của đất nước trong tương lai. Chỉ riêng từ đầu năm học 2014 - 2015 đến nay, đã có hàng ngàn học sinh tiểu học, THCS của các trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đinh Tiên Hoàng, Võ Trường Toản… tham gia những giờ học sử sôi nổi tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM.

Hoàn thiện mô hình giờ học sử tại bảo tàng

Thật ra, chương trình giờ học sử tại bảo tàng đã được đơn vị này triển khai thực hiện từ năm 2013. Không chỉ có Bảo tàng Lịch sử TPHCM, các đơn vị như Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng TPHCM cũng từng thành công khi tổ chức những giờ học tương tự. Và chương trình đã được đánh giá là thành công, góp phần xây dựng phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, là mô hình học tập cần khuyến khích nhất trong xu hướng mở, luôn kết nối và hướng đến cộng đồng của ngành bảo tàng thế giới hiện đại. Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, cho biết thêm: “Việc tổ chức các giờ học sử tại bảo tàng cho học sinh tiểu học, THCS tại TPHCM cho thấy qua các tiết học ở bảo tàng với phương pháp trực quan sinh động, ghi nhớ bài học bằng mốc thời gian cụ thể, sự kiện lịch sử thông qua các tư liệu, hiện vật đã làm gia tăng sự thích thú trong các em học sinh, giúp các em tiếp thu bài tốt hơn. Quan trọng hơn cả là học sinh được tham gia vào giờ học nhưng không phải lệ thuộc vào sách vở, bài học trong lớp khiến các em có tâm lý thoải mái và hứng thú hơn”.

Ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ thêm: “Trong tương lai, Bảo tàng Lịch sử TPHCM cũng như các trường đều mong muốn hướng đến việc xây dựng mô hình “Giờ học sử tại bảo tàng” thành một chương trình hoàn thiện, với phương pháp truyền đạt tốt hơn, mang tính đột phá. Trong chương trình này, học sinh phải thực sự trở thành trung tâm, phải tích cực và chủ động tham gia vào giờ học, thầy cô và hướng dẫn viên chỉ là người dẫn dắt, nêu vấn đề. Về phía bảo tàng và nhà trường, cần có những biện pháp phối hợp tốt hơn nữa trong việc dạy kỹ năng thực hành và rèn luyện tính chủ động, sáng tạo cho các em học sinh”.

Cùng với xu hướng phát triển của ngành bảo tàng thế giới hiện đại, việc nâng cao và hoàn thiện mô hình giờ học sử tại bảo tàng là cần thiết, sẽ tạo được những bước chuyển quan trọng trong phương pháp dạy học sử cho học sinh từ bậc tiểu học cho đến trung học; từ đó có thể giúp các em thêm yêu môn học này, hiểu cũng như yêu quý, trân trọng lịch sử truyền thống của dân tộc.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục