Học sử sinh động

Học sử sinh động

Thực tế cho thấy, không hiếm người dân Việt Nam, nhất là người trẻ có thể thuộc nằm lòng lịch sử nước bạn thông qua phim ảnh, trong khi sử Việt lại không mấy quan tâm. Thậm chí ngay cả người dẫn chương trình truyền hình - một ngành nghề được sàng lọc rất kỹ, nhưng cũng nhầm lẫn thông tin do thiếu hiểu biết cơ bản về lịch sử như sự cố người dẫn chương trình S-Việt Nam, phát sóng trên VTV1 với chủ đề “Đầu năm vãn cảnh đình hàng Kênh”, cho rằng Ngô Quyền 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng (đúng ra là Trần Hưng Đạo), đã khiến dư luận nghi ngờ về kiến thức lịch sử cơ bản của không ít người Việt trẻ. Điều này cũng không lạ, khi phương pháp dạy sử hiện nay còn khá nặng nề về số liệu, thiếu sinh động…

Một cảnh trong phim hoạt hình 3D Cậu bé cờ lau.

Để giải bài toán kích thích say mê học sử cho học sinh, rất nhiều hội thảo hiến kế đã được tổ chức, không ít tâm thư của giáo viên dạy sử được gửi lên các cơ quan chuyên trách… nhưng tương lai môn học này vẫn còn là ẩn số. Trong khi đó, các đợt thi đại học, cao đẳng gần đây cho thấy số lượng học sinh đăng ký chọn ngành có môn học này ở mỗi trường chỉ đếm trên đầu bàn tay. Thống kê sơ qua như vậy để thấy được sự hẩm hiu của môn học đóng vai trò đặc biệt quan trọng của quốc gia này. Tại những nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Canada… các nhà hoạch định giáo dục xem lịch sử là môn học có vị trí hàng đầu trong việc giáo dục nhân cách, lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức cộng đồng… Còn ở Việt Nam, môn lịch sử vẫn chưa có vị trí xứng tầm.

Thời gian gần đây, một số giáo viên, sinh viên của các trường phổ thông, đại học… đã chủ động cho ra lò hàng loạt clip, phim ngắn về lịch sử khá thú vị, được cộng đồng mạng đánh giá cao. Chẳng hạn như phim hoạt hình 3D Cậu bé cờ lau (đoạt giải Cánh diều vàng năm 2014), Đại chiến Bạch Đằng (phim hoạt hình 3D của nhóm sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng)… Phim khá xúc động, khắc họa rõ nét nhân vật anh hùng lịch sử khiến người xem hồi hộp, thích thú. Thông qua phim, khán giả sẽ nhớ lâu hơn các sự kiện, anh hùng lịch sử của dân tộc. Tuy vậy, số lượng các bộ phim lịch sử trên thị trường hiện nay vẫn còn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người xem, nhất là học sinh, sinh viên. Nguyễn Thị Ngọc Tâm, học sinh lớp 10, ngụ tại Tô Ký, quận 12, TPHCM, tâm sự: “Em rất thích học lịch sử qua phim ảnh để mở mang, trau dồi kiến thức. Nếu các nhà làm phim quan tâm hơn đến điều này, cho ra các sản phẩm chất lượng tốt để phục vụ khán giả, đồng thời qua phim giúp tụi em nâng cao kiến thức thì hay quá”. Nguyện vọng của Tâm cũng là mong ước chung của nhiều phụ huynh, giáo viên hiện nay.

Rõ ràng phương pháp giảng dạy bằng các giáo trình trực quan, sinh động thông qua phim ảnh đã trở nên hữu dụng hơn bao giờ hết. Th.S Nguyễn Quang Tuất, giáo viên lịch sử, giảng dạy tại quận 3, TPHCM chia sẻ: “Người thầy cần đi từ thực tế cảm nhận của bản thân (thích và không thích điều gì khi học lịch sử) kết hợp lòng đam mê yêu nghề, chắc chắn nhiệt huyết sẽ được truyền cho thế hệ học trò. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh; biết cách làm mềm hóa thông tin khô cứng trên sách vở, giúp các em dễ tiếp thu, nhớ lâu kiến thức hơn” 

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục