Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Phải tạo sức lan tỏa đến toàn dân

Giao lưu nghệ thuật “Tình Bác sáng đời ta”
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Phải tạo sức lan tỏa đến toàn dân

Hôm qua 12-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (CVĐ) đã tổ chức tổng kết 4 năm triển khai CVĐ. Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ và hơn 600 đại biểu từ khắp mọi miền của Tổ quốc.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trò chuyện với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: MINH ĐIỀN

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trò chuyện với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: MINH ĐIỀN

Ngày càng có kết quả rõ ràng

Báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Tô Huy Rứa trình bày khẳng định, qua 4 năm triển khai, CVĐ đã tạo ra chuyển biến rõ nét về nhận thức trong Đảng, trong xã hội về tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh như: “Trung với nước, hiếu với dân”, “Yêu thương con người, sống có nghĩa có tình”, “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”... được cả xã hội thừa nhận và quý trọng, xem đó là những phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam. CVĐ đã ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với các chương trình, phong trào đang được triển khai, như: Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xóa đói giảm nghèo; thanh niên tình nguyện... do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các ngành, địa phương phát động.

Theo điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, có 84% người được hỏi đánh giá CVĐ đã tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, trong đó có 19% cho rằng đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc, gắn liền với ý chí tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Ban Chỉ đạo Trung ương cho rằng, trong các năm gần đây, việc làm theo ngày càng có kết quả rõ ràng. Nét nổi bật nhất là ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức đã thể hiện khá rõ; vấn đề đạo đức, giáo dục, rèn luyện đạo đức đã được thể hiện rõ nét trong hoạt động của các tổ chức Đảng; việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến khá rõ rệt, có nơi mỗi năm tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng trong chi thường xuyên, góp vào quỹ xây dựng nhà tình nghĩa ở địa phương; công tác cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống quan liêu, tham nhũng có bước chuyển biến tích cực...

Góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Bên cạnh những thành tích đạt được, Ban Chỉ đạo Trung ương cũng cho rằng, trong 4 năm triển khai CVĐ vẫn còn những hạn chế thiếu sót. Đó là việc tổ chức học tập các chủ đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hàng năm còn chậm và thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao; việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức cụ thể ở một số nơi còn mang tính hình thức; kết quả thực tế của CVĐ chưa đồng đều, chưa vững chắc, việc làm theo chưa trở thành phong trào tự giác, sâu rộng...

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đánh giá cao những kết quả bước đầu sau 4 năm thực hiện CVĐ, nhất là “từ học đến làm theo” đã ngày càng rõ rệt, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động của toàn Đảng, toàn dân đối với CVĐ. Qua 4 năm thực hiện, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về vị trí, vai trò của đạo đức với sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. CVĐ đã góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao phẩm chất, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; ý thức và thái độ phục vụ của cán bộ, đảng viên; tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
 
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai CVĐ; đồng thời yêu cầu Ban chỉ đạo CVĐ các cấp phải sớm tiếp thu, khắc phục, điều chỉnh kịp thời để tiếp tục đẩy mạnh CVĐ, đưa hoạt động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành công việc thường xuyên của cán bộ, đảng viên, của các tổ chức cơ sở Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là một tấm gương về phẩm chất, đạo đức, lối sống, cấp trên phải gương mẫu trước cấp dưới, đảng viên và nhân dân, từ đó mà lan tỏa, tác động đến toàn dân, toàn xã hội.

“Đây là CVĐ lâu dài, tiến hành trong nhiều năm, cho nhiều thế hệ. Do đó, tránh tâm lý nôn nóng, chủ quan, kỳ vọng quá nhiều, quá sớm vào kết quả CVĐ trong khi cần phải có một thời gian và nỗ lực cần thiết. Mặt khác, khắc phục tư tưởng cầm chừng, hoài nghi, bàng quan, chưa thực sự quan tâm tới cuộc vận động... Phải coi việc thực hiện CVĐ trước hết là vì nhu cầu, quyền lợi tự thân của mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng, đoàn thể; không chỉ thuần túy về đạo đức, lối sống mà cao hơn là phục vụ trực tiếp cho sản xuất, công tác học tập, rèn luyện, cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi người, mỗi đơn vị” – Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Phải tạo sức lan tỏa đến toàn dân ảnh 2

Chương trình văn nghệ chào mừng hội nghị. Ảnh: MINH ĐIỀN

Nhân dịp này, 59 tập thể có thành tích xuất sắc trong CVĐ 4 năm qua đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. 72 tập thể và 1.012 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện CVĐ.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân, mức độ chuyển biến cao nhất là trong nông dân (54,02%); tiếp đến là hưu trí (41,18%); học sinh, sinh viên (40%); công nhân (40%). Về chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có 30,5% người được hỏi cho rằng có chuyển biến tốt và 51,6% cho rằng có chuyển biến. Về chống quan liêu, tham nhũng có 66,6% người được hỏi cho rằng có chuyển biến, trong đó có 22,8% cho rằng có chuyển biến tốt.

TRẦN LƯU

Giao lưu nghệ thuật “Tình Bác sáng đời ta”

Tối 12-12, hướng đến Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần 8, đồng thời chào mừng Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Tình Bác sáng đời ta” đã được tổ chức trang trọng trong khuôn viên Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Phủ Chủ tịch.
 
Tâm điểm của đêm giao lưu nghệ thuật là các phóng sự, các cuộc giao lưu đầy cảm động với những nhân vật “bình dị và cao quý” đã được Bác Hồ khen thưởng, tặng huy hiệu cùng những tấm gương người tốt, việc tốt được báo chí phát hiện và tôn vinh những năm qua như ông Bùi Kim Hồng, Giám đốc Khu di tích Hồ Chủ tịch, người có 30 năm làm nhiệm vụ gìn giữ di sản của Người; Anh hùng Lao động Trần Văn Sen; bác sĩ “bụi đời” Trần Thế Dũng, người ngày ngày tự nguyện chăm sóc những trẻ em lang thang, bụi đời…

Những tấm gương được đề cập là những người thợ cầu đường, là nhà tu hành, là anh bộ đội, chị công nhân, nhà giáo, tiểu thương, thương binh, cán bộ hưu trí, trí thức, đồng bào dân tộc thiểu số... ngày đêm âm thầm làm việc, cống hiến, sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng, thậm chí cả tính mạng của mình để cuộc sống của chúng ta hôm nay ngày càng nhân hậu hơn, tốt đẹp hơn.


Một số gương mặt tiêu biểu

Phạm Đình Nghiệp – Anh hùng LLVTND, thương binh 2/4 ở TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi: Không quên đồng đội đã ngã xuống

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Ăn quả phải nhớ người trồng cây”, “Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”, trong 4 năm qua tôi đã về lại chiến trường xưa, cùng với các đồng chí trong cùng đơn vị, nay sinh sống ở nhiều tỉnh khác nhau để đi tìm hài cốt đồng đội. Chúng tôi đã tổ chức hơn 10 cuộc tìm kiếm, trong đó có 7 cuộc có kết quả, đã tìm được hơn 160 liệt sĩ và tổ chức an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Ngãi, chuyển về quê nhà ở các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Thái Bình...

Ngoài việc tìm hài cốt đồng đội đã hy sinh, tôi còn tích cực vận động các đồng chí cùng đơn vị và các nhà hảo tâm, các tổ chức cùng bản thân tham gia những việc làm tình nghĩa với đồng đội và gia đình, người thân của đồng đội. Đó là việc hỗ trợ xây dựng tu sửa, nâng cấp nhà ở cho mẹ, vợ con của đồng đội có hoàn cảnh quá khó khăn, tặng sổ tiết kiệm cho thương bệnh binh và những đồng chí bị bệnh hiểm nghèo, ủng hộ giúp đỡ các con của đồng đội bị chất độc da cam...

 

Sùng A Phủ – dân tộc Mông, ở bản Hô Bon, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu: Học theo Bác từ những việc làm đời thường

Trước đây gia đình tôi và nhiều hộ gia đình khác trong bản, trong xã rất nghèo. Nguyên nhân do trình độ nhận thức thấp, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong cuộc sống sinh hoạt chưa biết tiết kiệm, vẫn còn những hủ tục lạc hậu... Từ năm 2007, sau khi được học tập nội dung các chuyên đề cuộc vận động, tôi đã nhận thức được việc học tập và làm theo Bác không phải là làm những việc to lớn mà học theo Bác từ những việc làm đời thường hàng ngày như: tích cực lao động, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chi tiêu tiết kiệm, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu...

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, tôi đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi. Với số vốn 15 triệu đồng, tôi đã mua được 10 con dê, 1 con trâu. Được biết ở Sa Pa trồng thảo quả đem lại lợi nhuận cao nên tôi  dùng số tiền còn lại là 3 triệu đồng sang Sa Pa mua giống thảo quả về trồng. Đến nay, gia đình tôi đã có trên 100 con dê, 12 con trâu, 10 ha rừng thảo quả”.
 
Để tạo điều kiện cho con em trong bản được đi học đầy đủ, năm 2008 tôi đã vận động bà con đóng góp số tiền 50.000 đồng/hộ để thuê máy san ủi mặt bằng xây dựng điểm Trường Tiểu học Hô Bon (gồm 5 phòng học và 1 phòng công vụ), vì vậy tỷ lệ học sinh đến trường đã tăng lên, đạt 95%.

Năm 2009, tôi tiếp tục hiến một mảnh đất với diện tích 5.000m² để xây dựng điểm Trường Mầm non Hô Bon. Đến nay, nhiều con em trong thôn bản được đi học, có trường lớp khang trang, sạch đẹp, trong lòng tôi vô cùng phấn khởi.

Đào Thu Hương - cựu sinh viên Khoa tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Tấm gương của Bác đã soi đường cho tôi

Năm 10 tuổi, nguồn ánh sáng của đôi mắt tôi đã hoàn toàn bị cướp mất, cuốn theo cả những ước mơ tuổi thơ. Tôi vô cùng tuyệt vọng, hoang mang, không biết tương lai của mình sẽ trôi về đâu. Nhưng lúc ấy, một nguồn động lực đã nâng tôi dậy, khi bước vào Trường Nguyễn Đình Chiểu, ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị, tôi được nghe lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”. Câu nói của Bác đã giúp tôi vượt qua chính mình, để tự đứng lên thay đổi chính cuộc đời mà tưởng như không còn ý nghĩa gì nữa.

Lớn lên, khi được tự hào đứng trong hàng ngũ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và trở thành hội viên Hội Người mù, tinh thần ham học hỏi, không đầu hàng trước mọi thử thách của Bác Hồ đã truyền cho tôi nghị lực sống để luôn luôn phấn đấu, giữ vững danh hiệu học sinh dẫn đầu lớp trong suốt những năm học hòa nhập ở cấp 2 và cấp 3. Niềm vui lớn đến với tôi vào tháng 3-2006 khi Bộ GD-ĐT có quyết định tuyển thẳng tôi vào khoa tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vì những thành tích mà tôi đã đạt được trong học tập và hoạt động ngoại khóa.
 
Trong suốt 4 năm học đại học, tôi luôn là một trong những sinh viên dẫn đầu lớp, được tuyên dương là sinh viên xuất sắc sau năm thứ nhất và đỗ thủ khoa vào tháng 6-2010 với điểm tổng kết 8,75. Hiện nay, trên cương vị là phiên dịch viên của một tổ chức phi chính phủ, tôi đang có những cơ hội để giúp đỡ cho không chỉ những người khiếm thị mà còn nhiều đối tượng khác đang phải chịu thiệt thòi trong cuộc sống.

Tấm gương sáng của Bác Hồ vẫn luôn song hành cùng mỗi bước tôi đi, khích lệ tôi không ngừng trau dồi chuyên môn và nuôi khát vọng học lên cao hơn để mở rộng tầm nhìn, nâng cao năng lực trong sự nghiệp vì người khuyết tật Việt Nam...

TRẦN BÌNH (ghi)

Thông tin liên quan

Ngày 12-12, tổng kết 4 năm cuộc vận động Học tập và làm theo gương Bác

Tin cùng chuyên mục