“Học thật, làm thật” để nêu gương

Nâng cao đạo đức công vụ

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thời gian gần đây xuất hiện những vụ việc tiêu cực, tham nhũng bị phanh phui càng cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức công vụ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, người có chức có quyền các cấp, đã thách thức sự phát triển đất nước. Để giữ vững uy tín cho Đảng, Nhà nước, hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp cần “học thật, làm thật” tư tưởng, phong cách, lời dạy của Bác về sự nêu gương, đạo đức.

Cần phải thực hành

Bác Hồ từng dạy: “Nói miệng ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành...”. Bác luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên  rằng không phải cứ viết lên trán chữ “cộng sản” là được yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Mình không liêm chính, không thể nói được ai, mà muốn người khác liêm chính là vô lý.

Bác đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, vừa phải có năng lực mới đáp ứng được nhiệm vụ, trong đó phong cách làm việc nêu gương là một nhân tố quan trọng cấu thành nên phẩm chất và năng lực của cán bộ, đảng viên (tác phẩm Đường Kách mệnh năm 1927 và Sửa đổi lối làm việc năm 1947). Bởi vì phẩm chất đạo đức cách mạng sẽ giúp chiến thắng chủ nghĩa cá nhân - là căn bệnh đẻ ra trăm thói hư tật xấu trong cán bộ, đảng viên.

Trong xử lý trật tự đô thị, người dân mong muốn những người thực thi công vụ đảm bảo công bằng,kỷ cương.(Ảnh: Kéo xe vi phạm đậu trên đường Trương Định, quận 1, về xử lý). Ảnh: VIỆT DŨNG

Bác chủ trương giáo dục bằng nêu gương để đạt kết quả cao. Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Trong gia đình, cha mẹ có thể là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em. Trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò. Trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới.  Trong cuộc sống, người này có thể là gương cho người khác, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại cái xấu.

Nâng cao đạo đức công vụ

Câu chuyện lấy lại vỉa hè trong mấy ngày qua đã và đang tác động tích cực đến nhiều đảng viên của Đảng bộ TPHCM. Nhiều nơi, đã làm rất cương quyết và không nể nang, phân biệt nhà dân hay cơ quan nhà nước, nhờ đó đã tạo được tín hiệu tích cực, nhiều người dân đã chủ động tháo dỡ mái hiên, bảng hiệu… Song còn không ít nơi ra quân thì rầm rộ nhưng chỉ tạo được chuyển biến ở khu vực buôn bán nhỏ lẻ, một số địa chỉ kinh doanh lớn vẫn tồn tại giống như thách thức cả pháp luật lẫn dư luận.

Người viết bài đã nhiều lần thấy lực lượng đi kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Lúc đó, người buôn bán nhỏ lẻ kêu gọi để thông báo với nhau rồi hối hả lo thu dọn cất giữ đồ đạc, rồi đến cảnh rượt đuổi để thu giữ gánh hàng rong, xe đẩy... Cũng trong cùng khu vực, cách đó không xa, một vài nhà hàng rất sang trọng bày sẵn bàn ghế cho khách vào ngồi, vô tư để xe trên vỉa hè. Có nơi còn cơi nới mái hiên, dựng bảng hiệu, thậm chí còn cử bảo vệ canh giữ.

Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ là chủ trương đúng đắn, nhiều lần chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thực hiện, không phải là chuyện mới lạ. Khác với các lần trước, lần này được thực hiện cương quyết bởi chính quyền quận 1, nhờ vậy đã lan tỏa ra các địa phương khác cũng như các tỉnh thành cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Biên Hòa (Đồng Nai)… Tuy nhiên dư luận đặt yêu cầu là phải giữ được kết quả bền vững và không được “đánh trống bỏ dùi”.

Trong thực tế, lực lượng kiểm tra xử lý chiếm dụng vỉa hè có nơi làm quyết liệt rồi thu giữ đồ đạc, có nơi được lờ đi một cách khó hiểu, giống như một màn hài kịch trên sân khấu, không loại trừ khả năng có sự “bảo kê”, “chống lưng” như Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nói. Có lẽ vì vậy mà câu chuyện sắp xếp trật tự lòng lề đường và lấy lại vỉa hè cho người đi bộ sẽ là thử thách rất lớn.

Trong một xã hội của dân, do dân và vì dân sẽ không bao giờ phân biệt thành phần, không ai được đặt mình ngoài vòng pháp luật. Xử lý lấn chiếm vỉa hè cũng vậy, người dân luôn dõi theo và mong đợi ở những người thực thi công vụ sao cho đảm bảo công bằng, kỷ cương. Cần lắm sự nêu gương từ lực lượng thực thi nhiệm vụ, cán bộ, công chức không để người nhà hay đơn vị mình quản lý lại lấn chiếm vỉa hè, cũng như xử lý công bằng để đảm bảo kỷ cương, phép nước.

Kỹ sư TRẦN VĂN TƯỜNG
(Phường Tăng Nhơn Phú B,
quận 9, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục