Học... vượt qua chính mình

Không cô độc
Học... vượt qua chính mình

Tối 21-4, hơn 300 học viên lứa tuổi thanh thiếu niên của Trung tâm Giáo dục dạy nghề Thanh thiếu niên 2 (Sở LĐTB-XH TPHCM) cùng trải nghiệm một buổi học thú vị với chủ đề về nghị lực vươn lên, sống có ích với bản thân, gia đình và xã hội. Khi được giao lưu với các tấm gương vượt khó, nhiều gương mặt non trẻ còn khiếm khuyết về nhân cách đã vội quay đi giấu những giọt nước mắt chực chờ lăn dài.

Các học viên trung tâm thắp nến trên bánh sinh nhật tập thể.

Các học viên trung tâm thắp nến trên bánh sinh nhật tập thể.

Không cô độc

Mở đầu buổi học, các em được giới thiệu về Công dân trẻ TPHCM 2006 Lê Thanh Thúy dù hàng ngày phải đấu tranh với căn bệnh ung thư xương nhưng luôn lạc quan, yêu đời, truyền niềm tin, sự khát khao được sống cho những người xung quanh. Trên giường bệnh, lúc sắp đi xa, Thúy luôn khát khao cháy bỏng được cùng chia sẻ nỗi đau, mang niềm vui tới các em nhỏ đồng cảnh ngộ. Em Trần Hoàng Sơn (21 tuổi, ngụ quận 7) thổ lộ: “Tôi thấy mình còn may mắn hơn Thúy nhiều lắm. Ngẫm lại thật xấu hổ, đồng trang lứa với nhau, may mắn hơn bạn vì không bị bệnh tật giày vò vậy mà ý chí không bằng Thúy”.

Ba Sơn bị suyễn nhiều năm nay, em phải nghỉ học, tối tối múa xiếc dạo mua vui cho các quán ăn. Nhiều lúc tủi thân không giữ được mình và lao vào ma túy. Khi vấp ngã, Sơn càng nghĩ quẩn hơn, cho rằng “thế là hết”. Nhưng từ ngày đi vào trường, nhất là được nghe câu chuyện về Thúy, Sơn nhất định sẽ khác. Sơn bộc bạch: “Tôi tin là câu chuyện về Thúy cùng những bài học bổ ích trong trường sẽ là hành trang giúp tôi trở lại hòa nhập với cuộc sống”.

Hà Mỹ Quân (19 tuổi, ngụ quận 8) có cha làm văn phòng, mẹ làm nội trợ nhưng Quân lại ham chơi hơn ham học rồi bỏ nhà đi lang thang theo đám bạn xấu. Giờ đây, được chứng kiến tình cảm của cha mẹ các bệnh nhi ung thư dành cho con cái cũng như thấy được nỗi đau của những bạn bè đồng trang lứa không may mắn khi phải đếm ngược thời gian sống, Quân lại càng nhớ nhà, yêu cuộc sống và chỉ muốn khóc.

Được cùng với 30 học viên khác thổi nến và nhận quà sinh nhật trong tháng 4-2011 từ trung tâm, Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, ngụ quận Tân Phú) rưng rưng: “Đây là lần đầu tiên em được tặng quà sinh nhật. Bất ngờ và xúc động quá. Ở đây, em và các bạn luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của gia đình và cộng đồng; được thụ hưởng các chính sách xã hội. Em biết rằng, chúng em không cô độc”.

Đừng tuyệt vọng!

Cùng với Thúy, câu chuyện của anh Nguyễn Như Thanh (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) và chị Trần Thị Mỹ Hạnh (45 tuổi, ngụ quận 12), tựa như một liều thuốc vực dậy tinh thần cho những thanh thiếu niên trót sai lầm. Bước lên giữa sân trường, Thanh hô to: “Xin chào gia đình. Xin chào gia đình”.

Cách đây 7 năm, Thanh cũng ngơ ngác, tuyệt vọng khi bước chân vào trường cai nghiện. Lúc đó, cũng như các bạn bây giờ, Thanh xỉ vả mình là đồ bỏ đi, rác rưởi bởi quá khứ lỗi lầm của mình. Thanh lo sợ và co mình lại khi đối mặt với mọi người. Nhưng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo trường nơi Thanh học tập, và sự động viên của một chiến sĩ tình nguyện mùa hè xanh (sau này là bà xã của Thanh), Thanh đã lấy lại thăng bằng. Ở trường, Thanh đã dứt bỏ ma túy nhưng bỏ được đã khó, ra ngoài đời giữ được mình khỏi cám dỗ lại càng khó hơn. Vì thế, ngày trở về, háo hức bao nhiêu thì áp lực vô hình cũng đè nặng bấy nhiêu. Thanh chứng tỏ nội lực mạnh mẽ của mình bằng cách kiếm đủ chuyện để làm, từ thợ hồ, làm thuê, nội trợ... Liệu cơm gắp mắm, từ số tiền ít ỏi tích lũy được, anh học sửa điện thoại di động rồi mở một cửa hàng sửa chữa điện thoại. Bây giờ, Thanh đã có mái ấm hạnh phúc cùng một cửa hàng sửa chữa, kinh doanh điện thoại ở quận Bình Tân - nơi luôn mở cửa giúp đỡ đối với các bạn thanh thiếu niên có hoàn cảnh “nhạy cảm” như Thanh ngày trước. Thanh rủ rỉ với các em: Đừng tuyệt vọng! Hãy cố gắng đốt cháy thời gian rảnh rỗi. Hãy làm mọi công việc có thể, trừ... làm biếng.

Còn chị Mỹ Hạnh, với vốn liếng là nghề may công nghiệp được học trong thời gian cai nghiện (2001-2006), bây giờ, chị là công nhân lành nghề, có thu nhập ổn định và tự nuôi được con học cao đẳng. “Lúc hòa nhập cộng đồng, chị đã gần 40 tuổi. Nghĩ lại chưa làm được gì còn tuổi xuân đã đi qua, chôn vùi trong những năm tháng ăn chơi sa đọa. Chị tiếc lắm và quyết tâm phải có một hình ảnh khác về bản thân. Bây giờ, các em còn trẻ lắm, hãy cố gắng lên”, chị Hạnh nhắn nhủ với các học viên trung tâm.

Buổi học khép lại, giữa đêm tối, mỗi học viên được cầm và đốt một ngọn nến. Một cơn gió mồ côi bất ngờ lùa tới, ai nấy đều khom tay che chắn cho ngọn lửa mong manh. Mong rằng, cũng như cách giữ gìn ngọn lửa, các em sẽ biết trân trọng cuộc sống của chính mình; biết yêu thương và đồng cảm với những hoàn cảnh còn khó khăn. Quan trọng hơn, các em sẽ trở lại đầy niềm tin, nghị lực…

Mạnh Hòa

Tin cùng chuyên mục