Hội An của thời quá vãng trong tiểu thuyết “Cuộc vây”

Cuộc vây (Phương Nam Book và NXB Đà Nẵng) là tiểu thuyết đầu tiên của Duy Lê, một cây bút sống và viết tại Hà Nội. Bằng nỗ lực của mình, tác giả đã tái hiện lên một Hội An phồn hoa và đô hội của hơn 400 năm trước.  

Cuộc vây mượn khuôn thước của trò chơi chiếc lược cổ xưa nhất: cờ vây, để kể cho ta nghe câu chuyện xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn đầu thế kỷ XVII. Duy Lê đã đặt mình vào quá khứ, đã để hành trình của mình trùng khít với hành trình của những nhân vật trong câu chuyện kể của hơn 400 năm trước, năm 1604, Tây lịch.

Nhân vật trong tiểu thuyết này cũng là những du khách xa xôi lần đầu đặt chân đến một miền đất lạ. Từ vùng đất Phù Tang, họ đến An Nam mà không biết rằng sẽ gửi gắm linh hồn mình ở lại vùng đất này.

Hội An của thời quá vãng trong tiểu thuyết “Cuộc vây” ảnh 1

"Cuộc vây" là tiểu thuyết đầu tiên của Duy Lê, một tác giả hiện đang sống và viết tại Hà Nội

Hội An phồn hoa đô hội mở ra, đón những cánh buồm vượt ngàn hải lý xa xôi đến với cửa ngõ giao thương nhộn nhịp giữa An Nam và thế giới. Những cờ phướn, những đèn lồng, xiêm y, túi nải, hộp đựng trầu hay trên đôi má, những khuôn miệng… xuất hiện lần lượt trên trang sách đều nhuốm một sắc đỏ.

Màu sắc ấy, chưa từng tồn tại trong cuộc cờ vây, nhưng phải chăng vì tượng trưng cho mối thân tình quyến thuộc nên nó được điểm xuyên suốt, để rồi thẩm thấu, tạo phông nền cho một câu chuyện tình vọng lại từ một lịch sử đã từng và luôn là những cuộc vây bất tận…

Từng chương từng chương ngắn nối tiếp nhau như những quân cờ đặt xuống thế trận, chậm rãi mà như đang từ từ vây chiếm. Những quân cờ mở đất được đặt xuống. Thế khai cuộc đã sẵn sàng. Đâu là cuộc vây? Đâu là cuộc đời? Từng bước đi của lịch sử hiện lên, bao cuộc đời đan xen, bao mối quan hệ phức tạp được tạo thành: Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên với nhân vật chính Sotaro, Chúa Sãi với người ca nữ và sau đó là Sotaro với con gái nàng - quận chúa không danh phận Ngọc Hoa (Anio)…

Người kỳ thủ tưởng am tường đường đi nước bước, giỏi xếp đặt trên mọi cuộc cờ rốt cục vẫn phải chịu khuất phục bởi ván cờ cuộc đời, bên ngoài mọi cuộc vây.

Mượn câu chuyện tình yêu, Duy Lê đề cập đến câu chuyện lịch sử, đó là bàn vây thương mại giữa Nhật Bản và An Nam đầu thế kỷ XVII, là bàn vây mở đất giữa Đàng Trong với Chiêm Thành, Chân Lạp.

Một điều ấn tượng trong tác phẩm này là tác giả đã chọn cho mình lối kể chuyện rất độc đáo. Những tưởng trong thế cuộc của bàn cờ vây, câu chuyện sẽ được dẫn dắt đến cao trào với nhiều tình tiết gay cấn, nhưng ngược lại, nhịp điệu vẫn rất trầm lắng, bình ổn nhưng đủ khiến người ta thấy bất ngờ và không khỏi trăn trở, da diết.

Từ ngữ và những dấu tích văn hóa được lựa chọn cẩn thận, đan cài khéo léo, thêm vào đó là cách trình bày các chương, cách kết nối, lật xoay các sự kiện giữa quá khứ và hiện tại, Cuộc vây càng khiến độc giả vừa bị mê hoặc hoang mang trong cõi thực hư mà lại vừa thích thú đắm chìm trong hoài niệm về một Hội An tĩnh tại, một chứng nhân của lịch sử mở đất hào hùng.

Tin cùng chuyên mục