Hội chứng “ăn theo”

Những ngày vừa qua, dư luận cả nước chấn động với những thông tin về vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang và nghi can Lê Văn Luyện. Hàng loạt trang facebook, twitter… liên tục xuất hiện với tên và hình ảnh của nghi can được đưa ra như một dạng đỉnh điểm của tội ác.

Có trang thì sử dụng ảnh thật được đăng trên báo cùng tên của nghi can làm nền, có trang thì sửa lại hình ảnh lồng ghép với các hình ảnh khác, có trang lại đặt tít “kêu” kiểu như “Hội những người phát cuồng vì Lê Văn Luyện”, “Hội những người sợ làm giàu nhanh như Lê Văn Luyện”…

Cũng từ những trang này, cái tên Luyện biến thành một thứ hàng độc quái đản của giới trẻ kiểu như nickname Xơ Xác: “Lê Văn Luyện… Cộp máy chém người hàng đầu Việt Nam” (nhái quảng cáo máy nước nóng) hay làm hẳn một bài thơ miêu tả chi tiết vụ giết người.

Mức độ quan tâm của giới trẻ đối với những trang mạng này khá lớn, chỉ tính riêng địa chỉ facebook lấy tên Lê Văn Luyện trong 1 ngày đã có hơn 1.500 người xác nhận quan tâm. Thậm chí nhiều người còn cho rằng đó có thể là trang của Luyện, vì nghĩ nghi can này đang dùng mạng từ trại giam do được đặc cách vì là tội phạm đặc biệt!

Đây không phải là lần đầu tiên một tội phạm biến thành một kiểu “ngôi sao” độc ác trên các diễn đàn giới trẻ. Trước đây, trong vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, rất nhiều trang facebook đã lấy phạm nhân Nghĩa làm chủ đề và lúc ấy trở nên tai tiếng nhờ có câu status (thông báo) “Giết hết, chặt hết”. Thậm chí, có một vài tờ báo còn nhầm lẫn tưởng rằng đó đúng là trang facebook của Nghĩa (là một trang facebook khác) nên đã đưa vào các bài viết.

Ban đầu, mục đích của những người tạo nên các địa chỉ mạng trên chỉ là vui đùa thiếu ý thức, dựa vào một cái tên đang bị chú ý đặc biệt để tạo sự thu hút. Tuy nhiên, càng về sau sự đùa giỡn càng trở nên quá trớn, lố bịch, thậm chí còn xoay ngược trở lại tạo nên sự phản cảm, thậm chí còn nảy sinh cả những phản ứng tiêu cực của giới trẻ khi khá nhiều bạn nữ còn bày tỏ tình yêu vớ vẩn qua mạng với Luyện, kẻ được các bạn trẻ gắn cho biệt danh “Sát thủ hotboy” hay “Hotboy Bắc Giang”...

Nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là trò đùa trên sự đau khổ đáng phê phán. Tuy nhiên, thực tế với những gì đang diễn ra thì trò đùa đó không được kềm chế đang ngày càng trở nên nguy hiểm và có ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ. Nhiều bạn trẻ qua những trò đùa ấy đã dần quên đi sự tàn ác mà chuyển thành sự bỡn cợt. Cũng chính từ những hành vi gọi là trò đùa như vậy vô tình đã góp phần tạo nên tâm lý lãnh cảm trước những cái xấu, những tội ác trong xã hội. 

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục