Sự đời đúng là lạ khi động chạm bất cứ ngóc ngách nào người ta cũng lý giải cái đó nó mới quá, nó chưa có tiền lệ, chưa được kiểm chứng và chung quy nó “lạ” quá. Và hàng loạt vụ việc xảy ra trong xã hội thời gian gần đây dường như minh chứng cho cái sự “lạ” được các cơ quan chức năng dán mác, công bố trước người dân.
Câu hỏi đặt ra không “lạ” lẫm: Thật sự nó “lạ” hay chính chúng ta bó tay bất lực trước diễn tiến của thảm họa và đành tuyên bố nó “lạ”, cần thêm thời gian kiểm chứng?
Ở huyện miền núi Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi, gần 200 người dân nhiễm căn bệnh viêm da quái ác với 19 ca tử vong nhưng sau hơn 1 năm dịch bệnh hoành hành, lãnh đạo ngành y tế vẫn cứ loay hoay đi tìm thủ phạm gây bệnh để rồi phán xét là bệnh “lạ” như phân bua của TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế “Chưa tìm ra nguyên nhân bệnh không phải do ngành y tế mà bởi nhiều căn bệnh có khi 1 năm, 20 năm cũng chưa chắc đã tìm ra. Còn việc đi khảo sát, lấy các xét nghiệm có thể đi hàng chục lần cũng chưa đủ”.
Nghĩa là người dân cứ phải chờ đợi và hy vọng sẽ có phép “lạ” nào đó giúp họ bớt khổ, bớt cơ cực trước sự phũ phàng của tạo hóa. Nhưng phép “lạ” này đến từ đâu? Câu trả lời đương nhiên là phải trông chờ vào Bộ Y tế. Song ngặt nỗi, các chuyên gia bộ này giống như phải rờ vào từng phần con voi để “chẩn đoán” nó là con gì thì làm sao đủ sức tung ra đòn “lạ” được?! Sự lúng túng này thể hiện rõ qua những tuyên bố khá mơ hồ về nguyên nhân gây bệnh: hết virus Ricketsia gây bệnh sốt mò bọ chét lại đến gạo ăn bị mốc, nghĩa là tất cả tuốt tuồn tuột cái gì ở quanh ta cũng đều gây bệnh cho ta. “Lạ” nữa là những khuyến cáo chữa trị đều chung chung theo kiểu “dễ lắm”, “bệnh đơn giản chỉ cần bôi mỡ bong da, bong vẩy” rồi cứ tuân thủ theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế là “khỏi bệnh”. Tuy nhiên – như đã biết – bệnh kéo dài cả năm và số người nhiễm cứ tăng vọt từng ngày, đâu có hết bệnh! Rõ ràng, câu chuyện về bệnh lạ cho thấy Bộ Y tế phản ứng quá chậm chạp trước tai ương dịch bệnh cũng như lúng túng trong điều phối, chỉ đạo về chuyên môn.
Nhưng nhìn kỹ, xét toàn cục thì thấy rõ không chỉ có ngành y tế phải đơn độc đối phó với bệnh “lạ”, mà thực ra bệnh “lạ” đã chuyển qua “hội chứng lạ” lây nhiễm qua nhiều lĩnh vực phi sức khỏe. Đơn cử như mấy vụ cháy xe nổi đình nổi đám cũng khiến người ta thấy “lạ” với cách lý giải của các cơ quan chức năng. Cũng như dịch bệnh, cháy xe nó là cháy “lạ” cho nên theo phán xét cái gì cũng có thể là nguyên nhân… chỉ trừ xăng kém chất lượng. Đúng là “lạ” thật khi bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của, chất xám trong cả năm trời mà đổi lại chỉ là chuyện cháy “lạ”!
Và vì “lạ” vậy cho nên người dân đang có xu hướng tin vào những yếu tố tâm linh, tin vào những lời đồn thổi chưa có kiểm chứng khoa học. Chẳng hạn như chuyện người dân, kể cả những người có học hàm, học vị trong lãnh vực y tế thời gian gần đây đang đua nhau uống cà ri để mong chữa dứt bệnh tiểu đường. Nó giống như niệu liệu pháp – nói nôm na là uống nước tiểu – một thời được “ứng dụng” khắp hang cùng ngõ hẻm – do những thêu dệt chữa bách bệnh được lan truyền, rỉ tai mách bảo mà hiểm họa không phải ai cũng lường được.
Để không còn chuyện “lạ” thiết nghĩ các cơ quan chủ quản cần minh bạch thông tin, cần sự phối hợp cụ thể và chi tiết giữa các chuyên gia từng lĩnh vực khi xác minh nguyên nhân. Chuyện bệnh “lạ” sẽ không “lạ” nếu như ngành y tế không phải đơn thương độc mã đi tìm nguyên nhân gây bệnh. Và cháy xe sẽ không còn là cháy “lạ” nếu các ngành chức năng có cách tiếp cận khác vì lợi ích người dân. Tức là trách nhiệm trước dân, vì dân, lo cho dân vẫn là yêu cầu hàng đầu đối với cơ quan quản lý nhà nước.
BÍCH AN