Trong thông báo phát đi mới đây từ Zing TV, một dịch vụ video online thuộc VNG có lượng người xem khá đông, cho thấy, nếu như năm đầu tiên, các live show của Giọng hát Việt luôn đạt lượt xem lại “khủng” nhất trên kênh này thì sang mùa thứ hai, chương trình này đang đuối dần với số lượt xem ngày càng giảm sút.
Mùa đầu, Giọng hát Việt đón nhận lượt xem lên đến 4 - 5 triệu lượt/tập, thậm chí có những tập lên đến hàng trăm ngàn lượt xem cùng lúc, bước sang năm thứ hai, Giọng hát Việt trở nên kém hấp dẫn, với lượt xem có khi chỉ vài trăm đến trên dưới một triệu lượt/tập.
Sự tuột dốc của các chương trình truyền hình thực tế sau mùa đầu ầm ĩ, tạm gọi “hội chứng mùa thứ hai”, không chỉ có mỗi Giọng hát Việt. Minh chứng rõ rệt nhất cho sự đuối sức của truyền hình thực tế rõ nhất có lẽ là Cặp đôi hoàn hảo và Bước nhảy hoàn vũ. Cặp đôi hoàn hảo mùa đầu tiên cuốn hút khán giả, giúp đưa những cái tên vốn dĩ trước đó vẫn còn xa lạ với nhiều người trở thành hiện tượng của làng giải trí sau đó như Quách Ngọc Ngoan, Phạm Văn Mách, GS Xoay... Khán giả nôn nao chờ đợi từng đêm thi cũng như bình luận về các tiết mục rôm rả trên các trang mạng xã hội. Thế nhưng, chỉ vừa bước sang mùa thứ hai thì chương trình gần như lập tức thoái trào, khán giả ngao ngán thấy rõ. Vẫn có đội ngũ ngôi sao, các tiết mục được dàn dựng hoành tráng và cả những scandal nhưng chương trình lại chìm nghỉm rồi kết thúc lặng lẽ. Cặp đôi hoàn hảo 2013 nổi tiếng bằng những màn đấu võ mồm giữa những người chơi với nhau và giữa người chơi với ban giám khảo nhiều hơn là đem đến những tiết mục tạo dấu ấn. Chính vì vậy, không khó hiểu khi cặp đôi đăng quang sau đó im hơi lặng tiếng chứ không trở thành một hiện tượng như Trấn Thành ở mùa thứ nhất. Có thể nói không ngoa rằng, Cặp đôi hoàn hảo mùa đầu chính là bệ phóng đưa Trấn Thành trở thành một trong những tên tuổi giải trí số một như hiện nay.
Bước nhảy hoàn vũ 2013 cũng cùng chung cảnh ngộ. Sau cuộc thi, những tên tuổi tham gia, thậm chí cả người đoạt ngôi vị quán quân như Yến Trang, vẫn im thin thít và lặn mất tăm, chẳng mảy may tạo nên hiệu ứng bứt phá ngoạn mục như với Thu Minh hay Thủy Tiên ở những mùa trước dù vẫn có hàng loạt scandal trên mặt báo. Một số cuộc thi khác như Vietnam Idol 2012, Vietnam Got Talent 2012... dù tung không ít chiêu trò nhưng sức hút cũng giảm nhiệt đáng kể so với các mùa giải trước.
Rõ ràng, sự ồ ạt mua bản quyền của quá nhiều chương trình truyền hình thực tế thời gian qua làm phát sinh yếu tố tâm lý cả thèm chóng chán của khán giả, luôn chờ đợi sự mới mẻ từ các chương trình mới, vốn dĩ đều tạo được sức hút rất lớn trên thế giới. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến chính là chất lượng chương trình. Rõ ràng, thiếu những nhân tố đột phá, những tài năng đúng nghĩa là nguyên nhân chính khiến các chương trình như trên kém dần sức hút. Điều này có thể thấy rõ nhất ở Vietnam Idol. Dù đã được mua bản quyền đưa về Việt Nam từ trước đó nhưng chỉ đến mùa thi có sự xuất hiện của Uyên Linh, sân chơi này mới thực sự dậy sóng. Chính giọng hát đầy lôi cuốn của Uyên Linh đã góp phần tạo hiệu ứng mãnh liệt trong công chúng của chương trình này để rồi Vietnam Idol 2012 lại gần như chìm lắng trở lại bởi thiếu vắng hẳn những tài năng đủ sức thuyết phục công chúng. Và câu chuyện xem ra đang lặp lại ở sân chơi Giọng hát Việt mùa này.
Vẫn là những định đề rất cũ nhưng không thể không nhắc lại: Tạo niềm tin nơi khán giả đã khó, giữ lại và không để mất niềm tin ấy lại càng khó hơn. Đó cũng là bài học cho các nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế.
KHẮC THI