Hội chứng thừa thầy, thiếu thợ

Thừa thầy, thiếu thợ lâu nay vẫn là bài toán hóc búa đối với việc phát triển nguồn nhân lực. Báo SGGP xin trích đăng ý kiến của Tiến sĩ Ngô Quốc Trung (kiều bào Ba Lan) về những vấn đề xung quanh chất lượng và định hướng dạy nghề hiện nay.
Hội chứng thừa thầy, thiếu thợ

Thừa thầy, thiếu thợ lâu nay vẫn là bài toán hóc búa đối với việc phát triển nguồn nhân lực. Báo SGGP xin trích đăng ý kiến của Tiến sĩ Ngô Quốc Trung (kiều bào Ba Lan) về những vấn đề xung quanh chất lượng và định hướng dạy nghề hiện nay.

Rất ít học viên trường nghề được thực tập trên các máy móc hiện đại. (Ảnh chụp tại Trường Trung cấp nghề Hùng Vương).

Rất ít học viên trường nghề được thực tập trên các máy móc hiện đại. (Ảnh chụp tại Trường Trung cấp nghề Hùng Vương).

1. Xã hội đã nói nhiều về việc chúng ta đang thừa thầy thiếu thợ, nhưng những năm gần đây, hàng loạt trường đại học được mở thêm, đó là chưa kể các loại hình đào tạo tại chức, đào tạo từ xa. Rồi hàng loạt trường trung cấp, cao đẳng được nâng lên hệ đại học. Số trường đại học thành lập mới, nâng cấp lên đại học lại tăng nhanh bất ngờ. Thay vì mở trường đại học bằng lối tư duy trường lớn, chúng ta lại tư duy theo hướng trường nhiều khiến nguồn lực nhỏ lại càng trở nên manh mún.

Trường đại học mọc lên như nấm, phần lớn mở trường vì lợi nhuận trước mắt, coi thường chất lượng nên không đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên cơ hữu tương ứng với quy mô đào tạo. Đã thế, còn có hệ cao đẳng, trung cấp trong trường đại học để rồi dễ dàng liên thông lên đại học. Nhiều trường tìm mọi cách để làm sao có đông sinh viên nên bỏ qua chất lượng. Chương trình đào tạo chưa rõ ràng; không thiết kế chuẩn đầu ra như chương trình; môn học như thế nào, dạy ra sao, bao nhiêu phần lý thuyết, bao nhiêu phần thực hành?

Học đại học quá dễ, miễn là có tiền đóng học phí, nhiều bạn trẻ không lượng sức mình, không được định hướng nên sau khi may mắn tốt nghiệp tú tài, cố gắng học… đại cho có bằng đại học.

Theo tôi, phân công lao động xã hội có lao động trí óc, lao động chân tay; trong môi trường làm việc thì có người lãnh đạo quản lý, người làm chuyên môn. Không thể nói lao động trí óc là thầy, lao động chân tay là thợ, cũng không thể nói lãnh đạo là thầy của chuyên môn.

2. Nhiều học sinh cũng chưa hiểu hết được lợi ích của việc học nghề. Các em cứ nghĩ rằng, nhiều sinh viên trường đại học, cao đẳng chính quy còn thất nghiệp huống chi là trường nghề, trong khi nhu cầu nhân lực của các công ty, doanh nghiệp hiện nay là rất lớn. Có khi, sinh viên trường nghề còn có cơ hội việc làm cao hơn nhiều so với các sinh viên chính quy khác. Đó là một thực tế, nhưng cũng là một minh chứng cho thấy sinh viên đó chưa giỏi về kỹ năng nghề nghiệp.

Vài năm gần đây, số sinh viên tốt nghiệp đại học lại tiếp tục theo học nghề ở trường trung cấp ngày càng nhiều. Trong số này có thể phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ 1 là những người sau khi tốt nghiệp đại học, nhận thấy nghề không phù hợp và những người không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Nhóm thứ 2, phổ biến nhất là các cử nhân, kỹ sư thiếu kỹ năng thực hành và ngoại ngữ.

Người học ngành nghề không yêu thích thì tìm một nghề khác phù hợp hơn để học lại. Việc cử nhân phải đi học lại trường nghề cho thấy xã hội, doanh nghiệp đang tiến đến xu thế tuyển người không dựa vào bằng cấp mà căn cứ vào thực lực của ứng viên. Trước đây có thể tuyển người dựa vào bằng cấp nhưng bây giờ, doanh nghiệp coi trọng khả năng về nghề hơn. Hiện tượng này sẽ khiến các trường đại học nên nhìn lại cách đào tạo của mình nếu không muốn xã hội đào thải.

3. Chính vì quan niệm thầy, thợ không đúng mà hiện nay nhiều học sinh và các bậc phụ huynh cố muốn cho con mình có tấm bằng đại học để làm thầy. Người ta chỉ coi trọng cái được đào tạo từ trường lớn, trình độ cao, chứ đâu coi trọng cái tự đào tạo. Anh cao đẳng làm tốt hơn anh cử nhân nhưng anh cử nhân lương vẫn cứ cao hơn. Đây là hiện tượng thừa bằng thiếu chất dẫn đến thiếu thầy, thiếu thợ chứ không phải thừa thầy, thiếu thợ.

Thực tế cuộc sống đang điều chỉnh việc ai cũng muốn làm thầy, không màng làm thợ nên không phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Nền kinh tế chỉ cần một người thầy, hàng chục, hàng trăm người thợ chứ không phải ngược lại. Nếu như xã hội làm tốt việc định hướng, tổ chức phân tầng khuyến khích học nghề ngay từ đầu sẽ không phí thời gian, tiền bạc của bản thân người học, gia đình, xã hội để học đại học rồi không làm được việc gì hoặc phải quay lại học nghề.

Ở các nước phát triển, họ tính toán rất cẩn thận về việc học phổ thông đến đâu thì phải phân luồng vào các trường nghề để đỡ lãng phí nguồn lực xã hội.

Hoa Thu (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục