Hội Cổ vật TPHCM chính thức trình làng từ tháng 12-2009 (tiền thân là CLB Cổ vật Nam bộ). Từ đây, giới sưu tầm và nghiên cứu cổ vật TPHCM có thể thỏa lòng vì có hẳn một sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần bảo tồn, gìn giữ cổ vật và các di sản văn hóa của dân tộc.
Lên “tay nghề” lẫn “mắt nghề”
“TPHCM quy tụ nhiều nhà sưu tầm cổ vật, số cổ vật hiện có trong các bộ sưu tập cá nhân cũng hết sức phong phú và đa dạng. Sự ra đời của Hội Cổ vật TPHCM đã đáp ứng phần nào được lòng mong mỏi của giới sưu tầm và nghiên cứu cổ vật thành phố cũng như các tỉnh lân cận”, ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội Cổ vật TPHCM nói.
Quả thật, từ chỗ ban đầu chỉ là CLB cổ vật Nam bộ với khoảng 15 người, đến nay hội đã có hơn 60 hội viên không chỉ ở TPHCM mà cả ở các tỉnh như An Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa. Thành viên của hội khá đa dạng, từ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thạc sĩ, kỹ sư đến giáo viên, công nhân viên, doanh nhân và cán bộ nghỉ hưu.
“Ngoài việc sưu tầm, nghiên cứu cổ vật, góp phần bảo tồn di sản văn hóa, các hội viên còn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ kinh nghiệm và kiến thức cho những anh em đam mê nghiên cứu, muốn tìm hiểu về cổ vật”, ông Nguyễn Văn Quỳnh chia sẻ thêm.
Theo ông Quỳnh, trước đây, một số anh em chơi cổ vật chưa có kinh nghiệm đã không ít lần bị “dính”, có người mất tiền tỷ bởi mua phải đồ giả. Qua những lần sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm ở hội, “mắt nghề” và “tay nghề” của anh em đã vững và tiến bộ lên rất nhiều…
Không chỉ có trao đổi kinh nghiệm trong giới cổ vật, Hội cổ vật TPHCM và nhiều bảo tàng tại TPHCM còn tổ chức hàng chục cuộc triển lãm, trưng bày cổ vật, giới thiệu đến công chúng những di sản văn hóa dân tộc.
Cổ vật đang chảy về nguồn
Ông Nguyễn Văn Quỳnh cho hay: “Nếu như trước đây một số cổ vật Việt Nam được một số Việt kiều đưa ra nước ngoài thì hiện nay theo nhận định của tôi, cổ vật Việt Nam đang xuôi về nguồn, tức là từ nước ngoài đang chảy về lại Việt Nam. Bằng chứng là gần đây, một số người chơi cổ vật ở TPHCM đã sưu tầm được những cổ vật Việt Nam từ những Việt kiều từ nước ngoài mang về đây bán lại. Đây là một thực tế rất đáng mừng”.
Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết hoạt động bảo tàng sáng 18-3, ông Quỳnh cũng bày tỏ nhiều trăn trở. “Có lần tôi chứng kiến ché gốm quý (trị giá đến 30.000 USD) được các cán bộ bảo tàng để cùng những chiếc đĩa giá vài trăm ngàn đồng, xếp lẫn lộn, lăn lóc trong kho khiến chúng tôi rất buồn và xót ruột. Đó là chưa kể việc cổ vật bị làm nứt, mẻ, hư hại”, ông Quỳnh kể.
Theo ông, việc đánh giá giá trị của cổ vật hiện nay giữa ngành bảo tàng và các nhà sưu tầm cổ vật vẫn còn một khoảng cách, một độ vênh nhất định. Chính điều này vô tình làm một số nhà sưu tầm cổ vật có tâm lý “e ngại” khi mang cổ vật đến tham gia (hoặc cho mượn) trưng bày triển lãm để giới thiệu với công chúng tại các bảo tàng.
Ngoài ra, ông Quỳnh cho rằng việc đăng ký cổ vật cũng cần được xem xét lại vì còn nhiều vấn đề bất cập.
Minh An