- Hỏi: Tại sao trong giải quyết tố cáo, Luật Khiếu nại, tố cáo không quy định việc ra quyết định giải quyết tố cáo mà lại quy định ra quyết định xử lý tố cáo?
Ngô Kim Tuyết (quận Tân Phú, TPHCM)
- Ông Trần Đình Trữ, Trưởng phòng Pháp chế - Tổng hợp, Thanh tra TPHCM, trả lời:
Trong thực tế hành vi bị tố cáo (TC) hết sức đa dạng, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất khác nhau, nên việc giải quyết thuộc thẩm quyền của nhiều loại cơ quan và được tiến hành qua những trình tự, thủ tục chặt chẽ. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện cũng không giống nhau.
Nếu hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ nhẹ thì nhà nước áp dụng biện pháp xử lý hành chính và thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu hành vi vi phạm ở mức độ nguy hiểm thì nhà nước phải áp dụng biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn, đó là biện pháp hình sự và do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện.
Vì vậy, khi đã có kết luận và kiến nghị xử lý TC, người giải quyết TC quyết định xử lý TC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Quyết định xử lý TC có thể là quyết định xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính đối với người vi phạm, áp dụng các biện pháp buộc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả xảy ra hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hoặc đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết; nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát để giải quyết.
Vì vậy, Luật Khiếu nại, tố cáo không quy định việc ra quyết định giải quyết TC mà ra quyết định xử lý TC của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Đây cũng là điểm khác nhau cơ bản trong thẩm quyền giải quyết TC và giải quyết khiếu nại được Luật Khiếu nại, tố cáo bổ sung làm rõ hơn với Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991.
H.Hoa ghi