SEA Games 28 sẽ diễn ra vào tháng 6, trong khi các giải thể thao vốn là vòng tuyển chọn Olympic 2016 cũng sẽ bắt đầu từ tháng 5, nhiều môn thể thao của Việt Nam sẽ phải chuẩn bị kế hoạch cũng như lực lượng theo kiểu “2 trong 1” để đạt thành tích tốt trên nhiều mặt trận.
Thế nên, kỳ nghỉ tết thay vì 9 ngày chỉ còn 4, cùng một yêu cầu đặc biệt: Không được để tăng cân! Nhiều môn thể thao có VĐV đang tập huấn ở nước ngoài, thậm chí còn không được nghỉ tết.
Đặt ra yêu cầu nói trên là bởi quá trình tập luyện của VĐV Việt Nam thường nhiều hơn thời gian mà họ thi đấu. Để chuẩn bị cho SEA Games vào tháng 6 tới có đến 13 môn thể thao đã tập trung VĐV từ đầu năm 2015 và tập liên tục không nghỉ. Kéo theo đó là một nguồn ngân sách lớn phục vụ cho chế độ dinh dưỡng nâng cao và mua sắm trang thiết bị. Điều này chỉ xảy ra ở một nền thể thao vẫn nặng tính bao cấp như tại Việt Nam.
Đối với thể thao chuyên nghiệp, đa số thời gian của VĐV là ở CLB và tích cực tham gia các giải đấu chuyên nghiệp để tích lũy kinh nghiệm cũng như tăng thu nhập. Việc bảo đảm thể lực cho thi đấu khi đó thuộc về trách nhiệm của VĐV, nên không có chuyện lo lắng khi thời gian nghỉ nhiều thì sẽ bị tăng cân, mất phong độ.
Trong khi đó, thể thao Việt Nam đang phải “vắt chân lên cổ” chỉ vì thời gian chuẩn bị cho SEA Games 28 được cho là ít, chỉ có… 1 năm rưỡi thay vì tròn 2 năm như những kỳ SEA Games trước.
Ở một góc độ khác, thành tích tại SEA Games hiện vẫn là thước đo chính cho hiệu quả đầu tư của thể thao Việt Nam, qua đó, dù gánh vác bao nhiêu nhiệm vụ đi nữa, các VĐV buộc phải thi đấu tốt tại đấu trường Đông Nam Á này, trong khi quan điểm này hiện không còn nhiều quốc gia tại Đông Nam Á lấy làm tiêu chí đầu tư. Với những môn thế mạnh, họ sẵn sàng đưa tuyến dự bị đi thay thế, còn các VĐV có đẳng cấp cao vẫn được ưu tiên tham gia những cuộc tranh tài thường niên trên thế giới.
Khổ nỗi, hiện nay số môn thi đấu chuyên nghiệp của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ví dụ như bóng đá, hiện chỉ mất thời gian tập trung tối đa 2 tháng cho SEA Games hoặc AFF Cup, thậm chí vài ngày cho những trận đấu quốc tế. Đơn giản là vì họ phải thi đấu ở cấp CLB tại các giải quốc nội và việc lựa chọn cầu thủ cũng dựa trên phong độ thi đấu hiện tại. Hiện cũng chỉ có bóng chuyền, quần vợt là có thời gian thi đấu tương đối nhiều, các môn còn lại, mỗi năm VĐV chỉ tham gia tối đa 2 giải trong nước, thi thoảng mới phải dự các giải quốc tế.
SEA Games 28 đang đến rất gần, việc tập trung tinh thần cũng như sức lực cho đấu trường này là đương nhiên. Tuy nhiên cũng cần đặt ngược vấn đề: Việc rút ngắn một vài ngày nghỉ của VĐV trong dịp tết cổ truyền liệu có bảo đảm thành tích thi đấu tại Singapore vào tháng 6 tới? Tại sao bản thân các VĐV không thể ý thức được việc tập luyện cũng như duy trì thể lực trong quá trình nghỉ tết mà các nhà quản lý buộc phải dùng đến biện pháp hành chính là rút ngắn thời gian nghỉ tết.
Bên cạnh đó, sau khi đã thay đổi tư duy không còn đặt nặng số lượng huy chương tại SEA Games, các nhà quản lý thể thao Việt Nam cũng cần tính toán đến chiến lược phát triển thể thao nước nhà theo hướng chuyên nghiệp ngay từ hoạt động thi đấu trong nước chứ không thể cứ đến một kỳ SEA Games lại hối hả… chạy đua với thời gian.
VIỆT QUANG