Không chỉ là nơi hội tụ các loài kỳ hoa dị thảo từ mọi miền đất nước và nước ngoài, từ nhiều năm nay, Hội hoa xuân TPHCM còn là dịp để mỗi người dân hướng về các giá trị truyền thống của dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương cũng như trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Với chủ đề “Thế nước và lòng dân”, tên gọi Hội hoa xuân 2013 - “Dáng đứng VN”, lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Lê Anh Xuân, nhằm tưởng nhớ đến chiến thắng Mậu Thân 1968. Các hình ảnh thân thuộc như lũy tre, cổng làng, ruộng lúa, thuyền nan… lần đầu tiên xuất hiện tại Hội hoa xuân giúp du khách trở về làng quê luôn giản dị mà thanh bình, yên ả. Lũy tre vút cao hiên ngang, cần cù, siêng năng bám đất bám làng, bảo bọc đồng lúa.
Nhờ sự cộng sinh, cộng cảm của tre, làng quê VN nói riêng và đất nước VN nói chung luôn trường tồn, vượt qua bao thăng trầm của lịch sử. Được tre bảo bọc, từ những làng quê bình dị ấy đã sinh ra những người con dũng khí quật cường để cách đây 45 năm, họ đã tạo nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Có lẽ, trong muôn sắc màu của các loại hoa thì nữ du kích đứng hiên ngang là bông hoa đẹp nhất! Và trung tâm Hội hoa xuân, hình ảnh anh giải phóng quân hiên ngang giơ cao đầu súng, pháo đài bay rụng dưới chân anh đã tạo thành “Dáng đứng VN”. Những người con hồn hậu, chất phác của làng quê đã không tiếc thân mình, tạc vào lịch sử “Dáng đứng VN” - dáng đứng làm tiền đề xuất phát cho Tổ quốc bay lên, vươn tới mùa xuân tương lai, không giới hạn cho Tổ quốc.
Theo ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh TPHCM, các chủ đề gắn liền với lịch sử, truyền thống dân tộc được lồng ghép khéo léo trong các Hội hoa xuân hàng năm. Không khiên cưỡng, gượng gạo, qua Hội hoa xuân, từng câu chuyện về lịch sử, về dân tộc tự nhiên đi vào lòng người, nhất là thế hệ trẻ.
Trước đó, hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đã “đến”, được hôn vào cột mốc Trường Sa và ngắm nhìn cuộc sống ở quần đảo yêu dấu qua Hội hoa xuân 2012. Tiểu cảnh cột mốc Trường Sa đứng sừng sững được kết bằng hoa, xung quanh là các thuyền đánh cá của ngư dân mang ký hiệu Trường Sa và quốc kỳ VN. Từ đó, du khách có thể cảm nhận chính sự toàn vẹn, hiên ngang, vững chãi của Trường Sa và đất Mẹ đã nâng niu, bảo tồn vẻ đẹp mong manh của các loài kỳ hoa dị thảo đang quần tụ trong Hội hoa xuân. Chúng ta chiêm ngưỡng trác tuyệt của thiên nhiên cũng là nhận thấy sự kiên cường, ý chí bất khuất và tài hoa của con dân đất Việt. Trên tinh thần này, Hội hoa xuân năm 2014 sẽ gắn với chủ đề kỷ niệm 60 năm chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu Điện Biên Phủ (1954 - 2014) và 55 năm ngày mở đường Trường Sơn (1959 - 2014).
Bên cạnh đó, tại Hội hoa xuân 2013, những truyền thuyết xa xưa được “kể” rất sinh động, sáng tạo. Từ những chậu hoa nhựa màu cam, trắng, hồng, nâu, các nghệ nhân đã sắp xếp, tạo hình nhân Lạc Long Quân - Âu Cơ quây quần cùng đàn con trên rừng, dưới biển đang hăng say hái lượm hoặc chèo thuyền.
Ông Trần Thiện Hà chia sẻ, tiêu chí đầu tiên để TP lựa chọn hiện vật xuất hiện tại Hội hoa xuân hàng năm cũng nhằm nổi bật nét truyền thống và tinh thần dân tộc VN. 8.000 hiện vật hoa - đá - cá - cây phải tiêu biểu các vùng, miền giúp du khách có cái nhìn tổng quát về thiên nhiên phong phú, đa dạng của VN trong không gian thấm đẫm “hồn Việt”. Đặc biệt, hoa sen - loài hoa giản dị, tao nhã và thuần khiết là hiện thân tính cách, lối sống và tâm hồn người Việt luôn xuất hiện hàng năm. Hội hoa xuân Quý Tỵ 2013, hai biểu tượng sen và tre cùng hiện diện đã bổ sung và thể hiện toàn diện các đức tính của người Việt - tài sản vô giá của dân tộc. Đến Hội hoa xuân, chúng ta có dịp nhận diện, chiêm nghiệm vốn quý ấy và kế thừa, làm giàu thêm nội lực để bước tiếp và phát huy thành quả cha ông để lại.
MẠNH HÒA