Từ ngày hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) nối quận 1 và quận 2 được đưa vào hoạt động, việc lưu thông của người dân khi qua lại khu vực này đã được thuận lợi và nhanh chóng hơn. Bản thân tôi cũng thường xuyên sử dụng con hầm vượt sông hiện đại bậc nhất Đông Nam Á này. Nghe nói để đảm bảo an toàn, an tâm cho người dân khi giao thông, tại đây được bố trí 90 lính cứu hỏa, 10 xe đặc chủng và một tàu chữa cháy luôn túc trực ngày đêm. Khi lưu thông qua hầm, các phương tiện phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tốc độ, đèn chiếu sáng và âm thanh… Trong hầm còn được thiết kế hệ thống báo cháy tự động và hệ thống chữa cháy phân bố dọc hầm, có hơn 40 loa phát thanh và 20 camera theo dõi để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Thế nhưng, sự tin tưởng của tôi vào lực lượng cứu hộ của hầm vượt Thủ Thiêm đã phải thay đổi khi chính mình gặp sự cố giữa hầm mà không nhận được sự trợ giúp nào từ ban quản lý. Cụ thể, vào khoảng 9 giờ 30 phút ngày 22-2, khi lưu thông qua hầm Thủ Thiêm (TPHCM) từ hướng quận 1 qua quận 2, xe máy của tôi đang chạy với tốc độ khoảng 40km/giờ bỗng dưng bị chết máy. Rất may các xe khác đã tránh kịp để không xảy ra tai nạn đáng tiếc. Tấp xe vào lề để kiểm tra và sau khi xác định chiếc xe không thể nổ máy được nữa, tôi vẫn chưa hết hy vọng vì tin rằng sẽ có vài anh trong lực lượng cứu hộ của hầm sẽ nhìn thấy tôi gặp sự cố qua camera quan sát và đến giúp đưa xe tôi ra ngoài. Thế nhưng chờ gần 5 phút vẫn không thấy có sự trợ giúp nào, tôi bắt đầu nghĩ đến việc tự mình sẽ đẩy xe ra khỏi hầm. Đây là công việc cực kỳ khó khăn đối với một phụ nữ. Tôi đã phải rất vất vả để đẩy chiếc xe tay ga có trọng lượng nặng gấp 3 lần mình lên con dốc dựng đứng của hầm Thủ Thiêm. Cứ đẩy xe đi được khoảng 20m tôi phải dừng lại để nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục đẩy. Nghỉ và đẩy xe được khoảng 4 lần như vậy, tôi thấy dường như khi tôi cố hết sức đẩy tới thì chiếc xe lại đang thụt lùi xuống dốc. Trong hầm khi đó có rất đông xe lưu thông qua nhưng có lẽ do đang chạy với tốc độ cao, ánh sáng trong hầm lại tối nên không ai để ý mà dừng lại để giúp đỡ tôi. Không còn sức để đẩy tiếp, tôi định bỏ xe lại để ra ngoài tìm sự trợ giúp. Rất may khi ấy có một thanh niên chạy vụt qua phát hiện đã dừng lại để giúp đẩy xe tôi ra khỏi hầm. Người thanh niên này bảo anh cũng từng bị sự cố tương tự tại hầm vượt này và cũng phải tự mình vất vả đẩy xe ra khỏi hầm mà không có ai giúp sức. “Thanh niên còn đỡ, chứ phụ nữ như cô thì làm sao đủ sức đẩy xe ra khỏi đây”, người thanh niên nói.
Tôi đã dự định khi ra khỏi hầm sẽ đến gặp ban quản lý hầm để phản ánh về việc này, nhưng vì có công việc gấp nên tôi phải đưa xe đi sửa để đi làm. Thiết nghĩ những người có trách nhiệm cần phải xem xét lại toàn diện công tác quản lý vận hành hầm Thủ Thiêm. Bởi với một hầm vượt hiện đại như vậy mà cách quản lý không hiện đại, không có sự trợ giúp kịp thời khi người dân gặp sự cố trong lúc điều khiển phương tiện lưu thông qua hầm là điều không thể chấp nhận.
THÁI HẰNG