Hồi hộp với chợ đường tàu ở Samut Songkhram

Đó là ngôi chợ hiếm hoi trên thế giới mà du khách tìm đến không phải để mua sắm, cũng chẳng để ngoạn cảnh bởi chợ không có gì đẹp. Du khách tìm đến chợ chỉ để xem cái “nguy hiểm” người bán phải đối mặt khi đoàn tàu đi qua, bởi khu chợ nằm ngay trên đường ray tàu hỏa đang hoạt động.
Hồi hộp với chợ đường tàu ở Samut Songkhram

Đó là ngôi chợ hiếm hoi trên thế giới mà du khách tìm đến không phải để mua sắm, cũng chẳng để ngoạn cảnh bởi chợ không có gì đẹp. Du khách tìm đến chợ chỉ để xem cái “nguy hiểm” người bán phải đối mặt khi đoàn tàu đi qua, bởi khu chợ nằm ngay trên đường ray tàu hỏa đang hoạt động.

Trong tích tắc, các cánh dù cụp lại nhường đường cho tàu

Màn trình diễn ngoạn mục

Từ Bangkok đến Samut Songkhram để ghé chợ Mae Klong - tọa lạc ngay trước ga cuối của tuyến đường sắt Mae Klong - nếu không kẹt xe, ngồi taxi mất khoảng gần 2 tiếng. Mở từ năm 1904, tuyến đường sắt Mae Klong dài khoảng 70km nối Bangkok với Samut Sakhon và Samut Songkhram, giữ kỷ lục là đoàn tàu chậm nhất ở Thái, với tốc độ chỉ khoảng 30km/g.

Nhờ tốc độ rùa bò của tàu, người dân sống giữa 2 nhà ga Bang Krabun và Mae Klong cùng nhau… lấn chiếm đường ray làm nơi bày bán hàng hóa, chủ yếu là hải sản, rau củ quả và cây trái địa phương, hình thành chợ Mae Klong. Mỗi ngày có 8 chuyến tàu đến và đi từ ga Mae Klong (4 chuyến vào buổi sáng), chuyến đầu tiên đến ga lúc 8g40 và rời ga lúc 9g. Thao tác dọn chợ nhường tàu đi qua đã trở thành một nét độc đáo ở Mae Klong, và du khách rỉ tai nhau đến xem kỹ năng dọn chợ diễn ra 8 lần mỗi ngày khi tàu đến và đi.

Cụ Ngamni với thâm niên bán hàng hơn 50 năm ở chợ Mae Klong

Việc bày hàng ở chợ Mae Klong là một kinh nghiệm truyền đời. Hệ thống dù che nắng ngả ra đường tàu, các quầy hàng có gắn bánh xe, khi tàu đến, các cánh dù cụp lại, quầy hàng đẩy thụt vào trong nhường chỗ cho tàu qua, các mâm hàng bày dưới đất chỉ cách mép đường ray vài cm. Từ một khu chợ nhộn nhạo, ồn ào, đầy hàng hóa, bị dù che khuất ánh sáng khiến càng thêm tù mù, chật chội, nhưng chỉ chưa đầy 10 giây, việc dọn chợ diễn ra tốc hành, làm lộ tuyến đường sắt với con tàu chầm chậm đi qua trong sự ngỡ ngàng của những người lần đầu tiên đến Mae Klong. Chỉ vài giây sau khi tàu qua, hoạt động buôn bán trở lại như cũ. Màn kéo dù khiến chợ còn mang một tên khác là Talad Rom Hoop (chợ kéo dù).

Hàng hóa bày cách đường ray chỉ vài cm

Hấp dẫn du khách từ “nguy hiểm”

Nghe chuyện họp chợ trên đường tàu, ai cũng liên tưởng ngay đến sự nguy hiểm, nhưng nếu chứng kiến những gì diễn ra ở Mae Klong, người ta sẽ thấy mọi hoạt động buôn bán, kéo dù, dọn hàng diễn ra thật nhịp nhàng, cộng với tốc độ chậm của đoàn tàu sẽ xua tan nỗi lo sợ và cảm giác bất an khi đứng sát đường tàu trong gang tấc.

Tiếng còi từ cuối nhà ga rúc lên từng hồi, đoàn tàu lăn bánh đến gần, mọi người lục đục dọn chợ, riêng cụ bà Ngamni - gần 80 tuổi, lưng còng sát đất, hơn 50 năm bán mực khô và rau củ - vẫn cứ để nguyên quầy hàng của mình, thong thả ngồi tỉnh rụi khiến khách đứng quanh lo lắng cụ không kéo kịp dù thì sẽ là đại họa. Nhưng chỉ trong tích tắc, người thanh niên ở quầy kế bên với tay kéo cây dù, đưa cho cụ Ngamni giữ, đẩy quầy hàng mực khô sát vào lề, vừa lúc tàu đi qua trong sự à ồ của du khách chứng kiến. Cụ Ngamni cho hay: “Tôi già rồi nên phải nhờ các cháu bên cạnh giúp chứ một mình không dọn kịp, rau củ cứ để nguyên cạnh đường ray, chỉ cần kéo dù và đẩy quầy vào là ổn”.

Chợ Mae Klong bày bán sản vật địa phương dọc đường tàu

Với người dân trong vùng, việc dọn chợ đã quá quen thuộc nên chẳng mấy ai quan tâm và cũng chẳng ngờ rằng chuyện kéo dù, dẹp gọn cả một khu chợ trong thời gian tích tắc lại hấp dẫn du khách. Việc dọn chợ nhường đường cho tàu đã làm Mae Klong trở thành một điểm đến lý thú của những du khách thích lăn lộn với cuộc sống đời thường.

Mỗi chuyến tàu chậm chạp đến và đi với lượng khách ít ỏi, khách địa phương ít nhưng du khách nước ngoài xuất hiện trên tàu ngày càng nhiều, bởi thế tuyến đường sắt ế ẩm này vẫn được duy trì nhờ sự độc đáo, kỳ lạ của phiên chợ trên đường ray.

Hệ thống đường tàu Việt Nam cũng có ít nhất 5 tuyến tàu chợ “bò” trên đường ray với tốc độ dưới 30km/g, gồm tuyến Huế - Đồng Hới, Gia Lâm - Đồng Đăng, Vinh - Đồng Hới, Yên Viên - Hạ Long và Long Biên - Quán Triều. Thống kê năm 2012 cho thấy các tuyến tàu chậm - tàu chợ này bị lỗ hơn 100 tỷ đồng vì vắng khách, có tuyến như Vinh - Đồng Hới ngày thấp nhất chỉ thu được 6 triệu đồng/chuyến, trong khi chi phí cho hành trình là 65 triệu đồng, toa tàu cũ kỹ, không đánh số, hành khách đa phần người địa phương có thu nhập thấp, các ga xép cũng bày bán hàng hóa, nhưng chưa đến mức họp chợ rộn ràng như ở Mae Klong. Việc buôn bán, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, vi phạm Nghị định 36-CP về trật tự an toàn giao thông là chuyện không khuyến khích, bởi các tai nạn thương tâm thường xảy ra trên đường tàu ở Việt Nam, nhưng nhìn cách người Thái tận dụng và khai thác Mae Klong, hẳn cũng là niềm mơ ước cho 5 tuyến tàu chợ ở Việt Nam từng bị đề nghị khai tử vì khai thác không hiệu quả.

Du khách đến Việt Nam ngày một nhiều, và họ không chỉ mua sắm, nghỉ dưỡng, hưởng thụ… mà nhiều người thích tìm những hành trình khám phá văn hóa bản địa, những miền ký ức đẹp và nguyên sơ gắn với con người, địa danh nơi họ đi qua. Du khách quốc tế đến Samut Songkhram ra chợ Mae Klong chỉ để xem kéo dù, đi tuyến tàu chậm nhất ở Thái. Năm tuyến tàu chợ chậm chạp ở Việt Nam đều là những tuyến tàu đầy ắp kỷ niệm một thời gian khó, nếu biết cách tận dụng và khai thác du lịch kết hợp các điểm đến đa phần là những danh thắng ở mỗi chặng dừng của tàu, chắc hẳn sẽ là một giải pháp của ngành đường sắt, và với du khách thì đó sẽ là những hành trình khám phá đầy thú vị về đất nước và con người Việt Nam.

LAM PHONG

Tin cùng chuyên mục