Hội nghị ADMM-8: Đồng lòng vì hòa bình và an ninh khu vực
Ngày 20-5, các trưởng đoàn dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 8 (ADMM-8) ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar đã thông qua Chương trình công tác 3 năm (2014 - 2016) và ra Tuyên bố chung về “Hợp tác quốc phòng vì cộng đồng và thịnh vượng”. Các bộ trưởng đã nhất trí về văn bản đề xuất thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp và nghị định thư bổ sung, đồng thời tái khẳng định cam kết của hiệp hội này trong việc củng cố hợp tác quốc phòng để thành lập một Cộng đồng ASEAN.
Ngày 20-5, các trưởng đoàn dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 8 (ADMM-8) ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar đã thông qua Chương trình công tác 3 năm (2014 - 2016) và ra Tuyên bố chung về “Hợp tác quốc phòng vì cộng đồng và thịnh vượng”. Các bộ trưởng đã nhất trí về văn bản đề xuất thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp và nghị định thư bổ sung, đồng thời tái khẳng định cam kết của hiệp hội này trong việc củng cố hợp tác quốc phòng để thành lập một Cộng đồng ASEAN.
Hợp tác quốc phòng vì hòa bình và thịnh vượng
Tuyên bố chung của hội nghị mang chủ đề “Hợp tác quốc phòng hướng tới cộng đồng ASEAN hòa bình và thịnh vượng” nêu rõ Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ủng hộ các kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 và Tuyên bố chung Nay Pyi Taw về xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, trong đó kêu gọi tăng cường hợp tác bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Tuyên bố kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) như đã được thể hiện trong Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông.
Cũng tại hội nghị, trưởng đoàn các nước tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc củng cố hợp tác quốc phòng nhằm hướng tới việc thành lập cộng đồng chung vào năm 2015. Các trưởng đoàn hoan nghênh các biện pháp xây dựng lòng tin như thiết lập đường dây liên lạc, đường dây nóng, cam kết không sử dụng vũ lực giữa các quốc gia ASEAN, điều sẽ thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực.
Giải quyết căng thẳng bằng biện pháp hòa bình
Hội nghị ADMM-8 diễn ra trong bối cảnh tình hình ở biển Đông có nhiều diễn biến căng thẳng liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, vấn đề biển Đông đặc biệt thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự. Trên tinh thần này, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm hoàn thành COC. Các trưởng đoàn bày tỏ mong muốn căng thẳng hiện nay ở biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và DOC mà Trung Quốc đã ký với ASEAN.
Trước sự quan tâm sâu sắc của hội nghị về tình hình biển Đông, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã trao đổi thông tin về vụ việc đang có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết việc Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khiến các nước ASEAN quan ngại và gây bức xúc trong quần chúng, nhân dân Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, trước sự việc này, chủ trương của Việt Nam là đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và DOC, để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông. Việt Nam quyết tâm giữ vững ổn định chính trị trong nước, duy trì quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện với nước bạn Trung Quốc. Việt Nam đã tích cực liên hệ, đối thoại với Trung Quốc ở nhiều cấp, kể cả kênh ngoại giao nhân dân, với mong muốn hai bên kiềm chế, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ hết sức kiềm chế để không xảy ra xung đột quân sự trên biển. Chúng tôi không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo, lực lượng đặc công người nhái tấn công, phá hủy giàn khoan của Trung Quốc. Việt Nam chỉ sử dụng các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và tàu cá của ngư dân để bảo vệ chủ quyền. Tàu Việt Nam không chủ động đâm va cũng như sử dụng vòi rồng phun vào các tàu của Trung Quốc, mà chỉ sử dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động”. Về việc một số phần tử quá khích đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân Việt Nam để kích động gây ra một số vụ việc đáng tiếc như đập phá cơ sở sản xuất của một số doanh nghiệp nước ngoài gây thiệt hại về người và của, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm theo pháp luật Việt Nam, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân các nước.
Bộ trưởng chia sẻ: “Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho công dân và doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam. Cơ bản tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã trở lại bình thường. Chúng tôi đề nghị các nước bạn bè chia sẻ khó khăn đó với Việt Nam, động viên các nhà đầu tư yên tâm làm ăn tại Việt Nam”. Trước những diễn biến đáng lo ngại tại biển Đông, tất cả các trưởng đoàn dự Hội nghị ADMM-8 đã thống nhất nêu vấn đề này tại cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc bên lề ADMM-8.