Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2012: Ấm áp nghĩa tình đồng chí, đồng đội

Ngày 7-7, tại TP Đà Nẵng, Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2012 đã được tổ chức trọng thể với sự tham dự của hơn 400 đại biểu đại diện cho hơn 8,8 triệu đối tượng người có công trên toàn quốc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự.
Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2012: Ấm áp nghĩa tình đồng chí, đồng đội

Ngày 7-7, tại TP Đà Nẵng, Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2012 đã được tổ chức trọng thể với sự tham dự của hơn 400 đại biểu đại diện cho hơn 8,8 triệu đối tượng người có công trên toàn quốc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi các Mẹ Việt Nam anh hùng tham dự hội nghị.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi các Mẹ Việt Nam anh hùng tham dự hội nghị.

  • Những bông hoa tươi thắm

Hội nghị sẽ nghe nhiều câu chuyện đầy xúc động, những tấm gương sáng trong phấn đấu vươn lên của các thương bệnh binh, những anh hùng LLVT…

Mọi người thán phục anh Nguyễn Duy Nở (Hoàng Đại, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), một quân nhân nhiễm chất độc hóa học trở về địa phương công tác. Với ý thức tự lập, tự cường, năm 2002 anh thành lập công ty sản xuất vật liệu xây dựng và đến nay cơ ngơi của anh đã có hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Hàng năm, công ty đóng góp ngân sách hàng tỷ đồng, tham gia và ủng hộ các quỹ hàng trăm triệu đồng, xây dựng và ủng hộ nhiều ngôi nhà tình nghĩa. Không những thế, anh còn tài trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, trợ giúp cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Tất cả như lắng đọng và đầy xúc cảm trước tấm gương của chị Đặng Thị Bảy (ấp Hưng Mỹ Tây, Long Hưng, Lấp Vò, Đồng Tháp), thương binh hạng 1/4. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, chị Bảy tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi. Hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương với thương tật mang trên mình, song chị vẫn cảm thấy mình may mắn hơn nhiều đồng đội phải nằm lại.

Lời hứa “đến ngày độc lập, ai còn sống sẽ xây mồ, làm mả cho người nằm xuống” làm chị luôn đau đáu trong lòng. Quyết tâm thực hiện lời hứa năm xưa, chị đã đi khắp xóm làng để bán từng tờ vé số cộng với số tiền dành dụm trong 12 năm 6 tháng từ tiền lương thương binh của mình được 72 triệu đồng, chị đã đóng góp để ốp gạch men lên toàn bộ 144 ngôi mộ của nghĩa trang liệt sĩ xã…

Hay như những câu chuyện của Anh hùng LLVT Phạm Thị Thao (Hòa Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng); thương binh Trần Duy Hưởng (Thạnh Đông, Tân Châu, Tây Ninh), thương binh Nguyễn Xuân Quang (Tân Phúc, Quảng Ngãi)… cũng đã làm cho nhiều người cảm phục bởi lòng yêu nước, sự hy sinh cao cả trong chiến tranh và nghị lực phi thường trong cuộc sống thời bình.

Anh hùng LLVT Phạm Thị Thao (giữa) trong vòng tay đồng đội tại Hội nghị. Ảnh: NG.HÙNG

Anh hùng LLVT Phạm Thị Thao (giữa) trong vòng tay đồng đội tại Hội nghị. Ảnh: NG.HÙNG

  • Chăm lo hơn nữa đời sống gia đình người có công

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: 65 năm qua, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Hệ thống văn bản pháp luật cơ chế, chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc người có công ngày càng được hoàn thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền đài liệt sĩ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công ngày càng được tăng cường. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, diện người có công được mở rộng, chế độ chăm sóc, ưu đãi được nâng lên dần. Đến nay, hầu hết những người có công và thân nhân, con em người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện nhà ở.

Đại diện Bộ LĐTB-XH, cho biết: Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được phát triển rộng khắp. Nhiều phong trào được phát triển từ thôn bản, xã phường được tổng kết và nhân rộng ra khắp nước, như phong trào: Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; áo ấm tặng mẹ, áo lụa tặng bà; phụng dưỡng Bà mẹ VNAH… Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động được 1.263 tỷ đồng. Từ số tiền này, hàng năm Trung ương đã phân bổ, hỗ trợ cho các địa phương xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, ủng hộ gia đình chính sách gặp thiên tai bão lụt, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng giá trị lên tới 14,5 tỷ đồng; hỗ trợ cho 187 thương binh, bệnh binh nặng hơn 5,2 tỷ đồng…

Đến nay, 100% Bà mẹ VNAH còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời; 95% xã phường đã được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; hơn 96% gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, do hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề, đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, vừa mới thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển nên mặc dù được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ nhưng cuộc sống của một bộ phận thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công vẫn còn khó khăn.

Vì vậy, Chủ tịch nước lưu ý: Cần huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những gia đình người có công, giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công. Tạo điều kiện và khuyến khích người và gia đình người có công tích cực tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và mức sống phải cao hơn mức sống trung bình trên địa bàn.

Chủ tịch nước cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng xây dựng phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nhiều hình thức, làm cho phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước” trở thành một phong trào xã hội rộng lớn, đem lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. 

Hiện nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công (chiếm gần 10% dân số). Trong đó, có hơn 1.146.250 liệt sĩ; trên 3.000 Bà mẹ VNAH còn sống; trên 780.000 thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh; 1.253 Anh hùng LLVT, Anh hùng lao động trong kháng chiến; 101.138 người có công giúp đỡ cách mạng; khoảng 187.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày… Hiện còn trên 1,4 triệu đối tượng người có công đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Cả nước có khoảng 7.000 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có khoảng 3.000 nghĩa trang liệt sĩ với tổng số trên 780.000 ngôi mộ; trong đó khoảng 303.000 ngôi mộ còn thiếu thông tin, hơn 208.000 hài cốt chưa phát hiện, tìm kiếm, quy tập được.

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục