Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18 - Hướng tới một ASEAN tầm vóc hơn

Mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18 - Hướng tới một ASEAN tầm vóc hơn

Ngày 8-5, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN đã có phiên họp thảo luận về Cấp cao Đông Á mở rộng, các biện pháp tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN, nâng cao vai trò quốc tế của ASEAN…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18.

Mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á

Một trong những ưu tiên hàng đầu để tăng cường vai trò của ASEAN trong khu vực cũng như trên thế giới là mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo tán thành khuyến nghị của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về việc mời Nga và Mỹ tham gia và yêu cầu các  Bộ trưởng Ngoại giao chuẩn bị để lãnh đạo hai nước này có thể dự EAS lần thứ 6 vào cuối năm nay. Tại các phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ mục tiêu của EAS mở rộng là nhằm duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong EAS mở rộng nói riêng và trong cấu trúc khu vực đang định hình nói chung.

Bên cạnh 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay là xây dựng đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA), tài chính, giáo dục, năng lượng, quản lý thiên tai và phòng chống cúm gia cầm, EAS cũng cần bàn về các vấn đề chiến lược quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực để góp phần tạo dựng và bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, gắn kết các đối tác lớn cùng tham gia thực hiện các trọng tâm, ưu tiên của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18 ngày 8-5.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 18 ngày 8-5.

Nhưng trước hết, các nhà lãnh đạo khẳng định ASEAN phải giải quyết được vấn đề thách thức của khu vực. Chính vì vậy, vấn đề tranh chấp biên giới giữa Campuchia và Thái Lan đang được các nhà lãnh đạo ASEAN hết sức quan tâm. Các nước đánh giá cao sự đóng góp và ủng hộ Indonesia, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, tham gia hòa giải tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ là láng giềng của cả hai nước và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hoan nghênh hai bên ngừng bắn, không để tái diễn xung đột và tiếp tục thực hiện các cam kết tại cuộc họp không chính thức các Ngoại trưởng ASEAN tại Jakarta ngày 22-2, trong đó có việc sớm cử quan sát viên Indonesia tới khu vực biên giới hai nước. Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình này.

Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã đồng ý trên nguyên tắc đề nghị của Myanmar đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vào 2014. 

Tìm tiếng nói chung về Biển Đông

Liên quan vấn đề Biển Đông và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), các nhà lãnh đạo khẳng định hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, trong đó có vấn đề an ninh và an toàn hàng hải, là lợi ích chung của tất cả các nước. ASEAN ủng hộ việc sớm hoàn thành các quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và tiến hành xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào năm 2012 nhân dịp kỷ niệm 10 năm DOC. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh rằng tăng cường đoàn kết, phối hợp tiếng nói chung đi đôi với thúc đẩy hơn nữa đối thoại và hợp tác với Trung Quốc nhằm thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC.

Việc phối hợp tìm tiếng nói chung để đối thoại với Trung Quốc vể Biển Đông là bước tiến mới của các nước ASEAN nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông. Từ trước đến nay, mỗi nước tổ chức đối thoại riêng với Trung Quốc và ký kết các thỏa thuận riêng. Với cam kết lần này, vấn đề Biển Đông chính thức trở thành vấn đề chung của ASEAN, cũng giống như vấn đề khai thác và bảo vệ sông Mê Công.

Lào quyết định tạm dừng dự án thủy điện Xayaburi

Về phát triển bền vững tại Tiểu vùng sông Mê Công, sau khi nghe Thủ tướng Thoongsing Thammavong thông báo về việc Lào quyết định tạm dừng dự án thủy điện Xayaburi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn thông báo hết sức quan trọng và đầy nghĩa tình của Đảng và Chính phủ Lào anh em; cho rằng điều này thể hiện sự hợp tác và quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ Lào đối với đề nghị của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam không chỉ mong muốn cùng Lào phối hợp với các nước ven sông Mê Công, kể cả Trung Quốc và Myanmar trong việc khai thác sử dụng bền vững con sông này vì lợi ích của mỗi nước và cả khu vực, mà còn phải có sự phối hợp nghiên cứu khoa học một cách kỹ lưỡng về tác động đối với môi trường.

H.Chi (theo TTXVN)

Tin cùng chuyên mục