Sáng 21-11, Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 27 (ASEAN 27) đã khai mạc tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, mở đầu cho các Hội nghị Cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác diễn ra trong hai ngày 21 và 22-11. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự hội nghị. Ngay sau lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN đã tham dự phiên toàn thể của Hội nghị cấp cao ASEAN 27.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 3
Cộng đồng ASEAN - dấu mốc lịch sử
Với chủ đề “Người dân của chúng ta, cộng đồng của chúng ta, tầm nhìn của chúng ta”, chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao ASEAN 27 tập trung vào việc chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN, tiếp tục hội nhập sâu rộng thông qua 3 trụ cột: Cộng đồng an ninh (ASC), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC).
Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh kết quả triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), đề cao ý nghĩa của việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, coi đó là dấu mốc lịch sử trong tiến trình liên kết khu vực, đánh dấu bước chuyển mình chiến lược của ASEAN và khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới ở tầm cao hơn của ASEAN. Đồng thời, thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và 3 kế hoạch tổng thể triển khai tầm nhìn trên 3 trụ cột với chủ đề “ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”, định hướng, tạo cơ sở và khuôn khổ cho liên kết của ASEAN trong 10 năm tới; cam kết triển khai hiệu quả các văn kiện này.
Các lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí cần tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch tổng thể về kết nối và sáng kiến liên kết ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển để hỗ trợ cho tiến trình xây dựng cộng đồng. Các lãnh đạo cũng nhất trí cần tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong lúc đẩy mạnh quan hệ với các đối tác, nâng cao hiệu quả của các tiến trình hiện có, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các đối tác cũng như trong việc định hình cấu trúc khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 có ý nghĩa lịch sử, thể hiện nhận thức chung và quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc nâng liên kết và hợp tác lên tầm cao mới, phản ánh sự trưởng thành mạnh mẽ của hiệp hội sau 48 năm phát triển, khẳng định giá trị của đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Về giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ nhận thức chung xây dựng Cộng đồng ASEAN là một tiến trình liên tục và việc thông qua Tầm nhìn ASEAN 2025 và các kế hoạch triển khai cụ thể tại hội nghị này sẽ định hướng và tạo thuận lợi cho ASEAN liên kết sâu rộng hơn, đóng vai trò quan trọng hơn ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài cũng như những hạn chế của chính ASEAN; do đó, trong thời gian tới, ASEAN cần phát huy xung lực mới cũng như các giá trị và phương cách ASEAN, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của ASEAN.
Phát huy vai trò ASEAN trong vấn đề biển Đông
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN trao đổi sâu rộng về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó nổi lên vấn đề khủng bố quốc tế, các thách thức an ninh biển và tình hình biển Đông. Về biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN chia sẻ quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp ở biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), kêu gọi các bên tự kiềm chế và không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, nhất trí cần phát huy vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở biển Đông đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế và có thể dẫn đến nguy cơ quân sự hóa và xung đột trên biển, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Đồng thời cho rằng ASEAN phải tiếp tục đoàn kết, thống nhất và thực hiện một số công việc: Kịp thời lên tiếng bày tỏ quan ngại chung về những diễn biến phức tạp và hành động đơn phương ở biển Đông, cùng với những hệ lụy xấu và rất nguy hiểm của nó. Thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không có hành động gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột thông qua các cơ chế của ASEAN. Tăng cường trao đổi và thúc đẩy Trung Quốc thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC; trao đổi thực chất, sớm thông qua COC.
Ngay sau phiên họp toàn thể, đã diễn ra lễ ký kết Công ước ASEAN về chống buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Lễ ký kết Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 diễn ra vào hôm nay 22-11 với sự chứng kiến của lãnh đạo các nước Đối thoại và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc.
Các Trưởng đoàn chụp ảnh chung sau lễ ký Công ước ASEAN về chống buôn bán người, nhất là phụ nữ, trẻ em
Chiều 21-11, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia đã diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 18, Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 13, Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 3 và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 18. Bên lề các hội nghị đã diễn ra cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN+3 với Hội đồng Kinh doanh Đông Á. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị.
Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 27, ngày 21-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Đại diện Thương mại Mỹ, Đại sứ Michael Froman. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc Việt Nam, Mỹ và các nước hoàn tất việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là kết quả của việc tôn trọng thể chế, lợi ích của nhau, cùng hướng đến việc xây dựng lòng tin để cùng nhau hợp tác thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại sâu sắc hơn. Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm tiếp tục triển khai chính sách chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập về kinh tế, thực hiện nghiêm túc các cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Ông Michael Froman nhấn mạnh, Mỹ mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các nước để sớm đi đến ký kết, sau đó trình các cấp có thẩm quyền phê chuẩn, đưa TPP vào thực thi. Mỹ khẳng định sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội ngay khi TPP có hiệu lực. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp và trao đổi với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha về một số vấn đề trong quan hệ song phương, nhất là hợp tác về lao động và nghề cá. |
Theo trang tin The Star của Malaysia, hơn 7.000 nhân viên an ninh đã được điều động để bảo vệ Hội nghị cấp cao ASEAN 27. Con số này cao gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Riêng tại Trung tâm hội nghị Kuala Lumpur, có 500 cảnh sát và binh sĩ quân đội thường xuyên tuần tra đảm bảo an ninh. Việc tăng cường thêm lực lượng an ninh diễn ra sau khi có nguồn tin tình báo cho hay các nhóm cực đoan đã lên kế hoạch tấn công hội nghị được tổ chức tại một quốc gia Đông Nam Á. Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Datuk Seri Ahmad Zahid Hamidi khẳng định, cảnh sát nước này đã hành động để ngăn chặn các cuộc tấn công vào Malaysia. Đồng thời cho biết, Malaysia đã phối hợp với cảnh sát Indonesia và Thái Lan để giải quyết vấn đề này. |
ĐỖ CAO (tổng hợp)