Hội nghị bàn tròn đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại TPHCM về môi trường đầu tư và thương mại do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JBAH) tổ chức, vừa diễn ra. Với 26 câu hỏi của các doanh nghiệp Nhật Bản, xoay quanh 7 vấn đề chính (gồm an ninh, giao thông, thuế, hải quan, điện, lao động và các vấn đề khác) đã bộc lộ khá rõ mối quan ngại, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN hoạt động.
Đầu tư nhiều hơn về giao thông
Theo nhận định của JBAH, trong những năm gần đây, TPHCM đã có nhiều nỗ lực để giải quyết những vấn đề mà tại các hội nghị trước đặt ra. Tuy nhiên, mức độ làm hài lòng các nhà đầu tư tại TPHCM vẫn còn hạn chế. Cụ thể, về giao thông - vận tải, tại TPHCM, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển nên taxi là phương tiện lựa chọn chính để các du khách sử dụng khi đi du lịch. Du khách không hài về việc taxi sân bay từ chối chở khách và tỏ thái độ không tốt. So với lưu lượng giao thông của xe 2 bánh và 4 bánh thì cơ sở hạ tầng đường sá và bãi đỗ xe còn yếu kém. TPHCM sẽ làm gì để giải quyết tình trạng quá tải này?
Trả lời vấn đề này, ông Phạm Quốc Trương, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, TPHCM đang lập dự án mở rộng tuyến đường Bắc Nam nối liền vào cầu Ông Lãnh; mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, nối quận 7 và khu vực trung tâm TP, riêng đoạn đường nối từ ngã 3 Cát Lái với nút đại lộ Đông Tây đã được mở rộng và khá thông thoáng. Tuy nhiên, gần đây phát sinh thêm một số nút giao thông bị ùn tắc, TPHCM đang nghiên cứu, đồng thời triển khai mở rộng đường tại nhiều điểm nút của TP. Dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán 2012, TPHCM sẽ hoàn thành việc xây dựng cầu thép trên cao tại các cửa ngõ của TP để giảm tải ùn tắc…
Riêng về vấn đề taxi sân bay, TP đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh, xử lý. Theo bà Phó Nam Phượng, Giám đốc ITPC, ngay sau hội nghị sẽ có buổi làm việc với Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất để giải quyết, đồng thời kiến nghị việc tổ chức treo các biển báo tại đây.
Liên quan đến thuế, hải quan và chi phí khác, JBAH cho rằng, quy định chi phí quảng cáo không vượt quá 10%, về thuế môi trường, sử dụng đất phi nông nghiệp gây nhiều khó cho DN. Vẫn còn tình trạng cán bộ hải quan nhũng nhiễu DN khi làm các thủ tục. Các sản phẩm IT thay đổi rất nhanh do dòng đời sản phẩm ngắn, nên khi danh mục hàng hóa không cập nhật kịp thời sẽ gây khó khăn cho DN.
Theo ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, ngành hải quan mong muốn các DN phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc giúp phát hiện các trường hợp nhũng nhiễu. Tại các điểm làm thủ tục hải quan, chi cục đều có công bố đường dây nóng, số liên lạc của lãnh đạo cục, website để tiếp nhận thông tin phản hồi của DN. Trường hợp gây nhũng nhiễu DN sẽ kiên quyết xử lý thật nghiêm. Theo ông Hùng, từ ngày 1-1-2013, ngành hải quan sẽ áp dụng thủ tục hải quan điện tử phiên bản mới, theo đó hệ thống xử lý dữ liệu tiếp nhận tờ khai hải quan liên tục 24 giờ trong ngày và trong 7 ngày/tuần. Do vậy, các DN cần sử dụng hệ thống này để được hưởng thêm một phần ưu đãi giống như DN ưu tiên hiện đang được hưởng.
Đối với các thiết bị, công nghệ IT cũ theo quy định VN cấm nhập khẩu. Nếu muốn nhập khẩu vào VN, sẽ phải có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông. Với các thiết bị mới chưa cập nhật vào danh sách, Cục Hải quan TP sẽ kiến nghị lên Bộ Thông tin và Truyền thông để giải quyết. Trước mắt, TPHCM sẽ áp dụng biện pháp tình thế, tùy trường hợp cụ thể và giải trình của từng DN và DN chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tăng cường an ninh cho du khách
Dù chỉ có 3 câu hỏi (trong tổng số 26 câu hỏi) về vấn đề an ninh, nhưng lại chiếm khá nhiều thời gian thảo luận. Theo giám đốc đối ngoại của JBAH, khách du lịch Nhật đến VN không đơn thuần là du lịch mà thường kết hợp khảo sát thị trường, tính đến đầu tư trong tương lai. TPHCM sẽ làm gì để cải thiện an ninh xã hội, giúp người nước ngoài an tâm hơn khi tới VN? Khi xảy ra tình trạng trộm cắp, công an VN có thể xác nhận giấy chứng nhận mất cắp cho du khách Nhật?
Theo đại diện Công an TPHCM, năm 2012, tình hình cướp giật tại địa bàn TP giảm chứ không tăng. Năm 2012, công an tiếp nhận 136 vụ xâm phạm đối với sở hữu tài sản của người nước ngoài (trong đó 9 vụ liên quan đến người Nhật và có 7 vụ tìm ra thủ phạm). Tuy nhiên, những tháng gần đây, tính chất tội phạm có phức tạp và táo bạo hơn. TPHCM đã tăng cường lực lượng bảo vệ du khách. Phía JABH cũng cần có những thông tin hướng dẫn du khách cách đi lại trên đường phố, nơi tiếp nhận thông báo của cơ quan chức năng. Khi xảy ra sự việc, không chỉ báo qua JBAH, lãnh sự quán mà cần báo ngay với cơ quan công an để hợp tác tốt hơn.
Cần mạnh dạn tố cáo những hành vi bị lừa đảo, nếu mọi người sợ bị liên lụy tội tham gia đánh bạc nên che giấu thông tin thì sẽ rất khó cho ngành chức năng. Về việc xác nhận bị mất cắp tài sản, tùy trường hợp, phía công an có thể xác nhận cho du khách. Khi vụ việc xảy ra, du khách có thể về khách sạn, nhờ nhân viên khách sạn hay nhân viên hướng dẫn du lịch báo ngay với cơ quan công an để tiến hành truy xét kịp thời.
Ngoài những vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn lo lắng về tình trạng thiếu điện, về lao động. Phía JBAH cho rằng, quyết định tăng lương tối thiểu thường đột ngột, sẽ gây khó cho DN, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN. Cần có lộ trình cụ thể trong tăng lương, với mức tăng 1 năm/lần và có tính nhất quán về mốc thời gian, tạo thuận tiện cho DN. Mặt khác, quy định làm thêm giờ của VN quá chặt chẽ, ít hơn so với các nước trong khu vực. Hiện Trung Quốc và Thái Lan cho phép thời gian tăng thêm giờ làm là 1.800 giờ/năm, còn VN mới chỉ cho tối đa 200 giờ/năm.
THÚY HẢI