Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM: Xây dựng quy định bảo vệ cá nhân sáng tạo, đột phá

Tại ngày làm việc thứ 3 Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, nhiều đại biểu khẳng định, nếu không khơi dậy được tính sáng tạo thì không thể đổi mới; song bên cạnh chính sách khuyến khích sáng tạo cũng cần có các quy định cụ thể để bảo vệ những cá nhân sáng tạo, đột phá.

Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X
Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X

Ngày 6-7, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X tiếp tục làm việc ngày làm việc thứ 3 với phiên thảo luận tại hội trường.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM... Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM điều hành phiên thảo luận.

Vẫn vướng “vòng kim cô” cơ chế

Tại phiên thảo luận, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, nhận xét 7 chương trình đột phá có khả năng "sẽ mãi sơ kết chứ không tổng kết được”, bởi vì tổng kết thì phải hoàn thành, song khả năng hoàn thành là rất khó.

GS.TS Nguyễn Ngọc Giao dẫn chứng, nhiều chương trình đột phá như cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực còn dang dở; vấn đề ngập nước dù được tập trung giải quyết nhưng cứ đến mùa mưa là gây bức xúc dư luận, lại được nêu ra.

“Thời gian qua, TPHCM có nhiều bước tiến trong việc triển khai thực hiện 7 chương trình đột phá nhưng đề nghị nên đổi thành 7 chương trình trọng tâm. Bởi lẽ, “trọng tâm” thì sẽ thực hiện trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, trường hợp chưa giải quyết được, còn "đột phá" thì tạo cảm giác thực hiện một thời gian nào đó là sẽ hoàn thành", GS.TS Nguyễn Ngọc Giao nhận xét.

Phân tích về bất cập, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao nhấn mạnh đến vướng mắc về cơ chế. Ví dụ, Đại học Hoa Sen không thể bổ nhiệm GS Trương Nguyện Thành (vị GS từng gây bão khi “mặc quần đùi giảng bài”) làm hiệu trưởng dù vị này rất có năng lực, được HĐQT của Đại học Hoa Sen tín nhiệm. Nguyên do, GS Thành “không đủ tiêu chuẩn theo Luật Giáo dục Đại học”.

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Giao đây là bất cập lớn: "Vậy với cơ chế, chính sách đặc thù, liệu TPHCM có quyền quyết định, bổ nhiệm người này (làm hiệu trưởng Đại học Hoa Sen - PV) hay không?".

Tương tự, trong công tác chống ngập, TPHCM vẫn phải tuân thủ theo quy chuẩn về miệng cống thoát nước của Bộ Xây dựng. "Quy chuẩn này được áp dụng cho cả nước và không phù hợp với một đô thị như TPHCM. Thế nhưng, TPHCM có giải quyết được vấn đề này không?", GS.TS Nguyễn Ngọc Giao đặt câu hỏi.

Đề cập đến Nghị quyết 54 của Quốc hội với một số cơ chế, chính sách đột phá, tăng sự chủ động cho TPHCM, nhưng GS.TS Nguyễn Ngọc Giao cho rằng những nội dung trong Nghị quyết 54 vẫn chưa giúp TPHCM “thoát khỏi vòng kim cô cơ chế”.
“Bản thân tôi và một số chuyên gia, nhà khoa học vẫn chưa thỏa mãn với các cơ chế, chính sách được nêu tại Nghị quyết 54”, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao bày tỏ.

Gợi ý thêm về giải pháp, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao đề nghị TPHCM cần tích hợp Nghị quyết 54 vào các chương trình cụ thể, như liên quan đến đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh ra sao…

Đề cập đến một số nội dung khác, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM khẳng định, nhiều vấn đề doanh nghiệp, người dân đã đề cập nhưng quá trình giải quyết vẫn chưa đến nơi, đến chốn. Ví dụ mùi hôi ở khu Nam đã biết, đã thấy nhưng biện pháp cơ bản xử lý vẫn chưa rõ ràng.

“Từng đơn vị đều cần phải cố gắng nhưng nhân tố dẫn đầu là chính quyền”, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao nhấn mạnh và phân tích chính quyền sáng suốt, minh bạch và quyết liệt thì mới đảm bảo giải quyết được các tồn tại, hạn chế.

“Từng đơn vị đều cần phải cố gắng nhưng nhân tố dẫn đầu là chính quyền” - GS.TS Nguyễn Ngọc Giao.

Chỉ tiêu quá cao, “đuổi” theo hụt hơi

Cũng góp ý về 7 chương trình đột phá, Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận Trịnh Xuân Thiều phân tích: Trong số các chương trình thì 4 chương trình đột phá là giải quyết kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm và cải cách hành chính có liên quan chặt chẽ đến người dân. Do đó, trong giải pháp triển khai thực hiện các chương trình này đòi hỏi phải có sự liên hệ chặt chẽ với nhau; đòi hỏi có sự đồng bộ hơn giữa các ngành, các cấp.

Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận cũng đánh giá, các nghị quyết của Đảng đã đề cập đến nhiều nội dung, lĩnh vực trong kinh tế, đời sống xã hội. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu đề ra trong các nghị quyết khá cao so với điều kiện thực hiện nên kết quả triển khai khó đạt được.

"Do công tác khảo sát, điều tra về điều kiện thực hiện chưa tốt nên có những chỉ tiêu quá cao và cuối cùng không hoàn thành”, đồng chí Trịnh Xuân Thiều phân tích và đề nghị công tác này cần được thực hiện chặt chẽ hơn, sát thực tiễn hơn. 

Đồng chí Trịnh Xuân Thiều đưa ra ví dụ: Chỉ tiêu chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp là vô cùng khó khăn; hoặc chỉ tiêu di dời nhà trên và ven kênh rạch… theo chương trình chỉnh trang đôi thị cũng rất khó đạt được vào cuối nhiệm.

“Về ý chí của Thành ủy TPHCM, của Đảng bộ TPHCM là rất tốt, nhằm lo cho dân thoát khỏi cảnh ô nhiễm, xập xệ... Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều vấn đề như vướng mắc về vốn, chủ trương của TP chưa thống nhất với cơ chế, chính sách chung. Trong nhiều trường hợp, TPHCM muốn hỗ trợ cho dân vượt chính sách sẽ rất dễ bị “bắt giò”", đồng chí Trịnh Xuân Thiều nhận xét và phân tích.

Đồng tình với một số ý kiến của Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận, Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM Nguyễn Hoàng Năng dẫn chứng về những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ông Năng cho rằng điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp.

Tương tự, UBND TPHCM triển khai quyết liệt khoán xe công nhưng cũng bị vướng quy định chung nên kế hoạch này bị dừng lại.

Đây cũng là một thực trạng chung, là vẫn cứ thực hiện theo trình tự thủ tục với nhiều bất cập.

“Đột phá mà theo trình tự, thủ tục thì rất khó. Kể cả khi TPHCM vận dụng các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 54 vẫn khó có thể tháo gỡ những vướng mắc mà TP đang gặp phải", ông Nguyễn Hoàng Năng đánh giá.

Xây dựng quy định, khơi dậy sáng tạo đột phá

Góp ý cụ thể hơn về chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, Bí thư Quận ủy quận Tân Phú Nguyễn Thành Chung, đánh giá việc đầu tư cho các chương trình trọng điểm là chưa thực sự đủ ưu tiên để tạo đột phá. Cùng với đó, chương trình chỉnh trang đô thị chuyển biến chậm, hiệu quả chưa lớn.

“Trước đây, dù nguồn lực còn hạn chế nhưng TP thực hiện rất tốt việc di dời nhà ven, trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”, đồng chí Nguyễn Thành Chung nhận xét và liên hệ với chương trình chỉnh trang đô thị thời gian qua chuyển động rất chậm.

Tương tự, trong việc cải tạo, xây mới chung cư cũ, theo đồng chí Nguyễn Thành Chung, quận Tân Phú có 5 chung cư cũ khi kêu gọi đầu tư thì nhà đầu tư chỉ quan tâm 1 chung cư, còn 4 chung cư kia thì không ai quan tâm.

"Quận không biết tìm nguồn nào để sửa chữa, xây mới 4 chung cư này. Do vậy, TPHCM cần có chính sách dài hạn đối với chương trình này", đồng chí Nguyễn Thành Chung nói.

Đặc biệt, các đại biểu cũng khẳng định, nếu không khơi dậy được tính sáng tạo thì không thể đổi mới. Bí thư Quận ủy quận Tân Phú cho rằng cần khơi dậy niềm tự hào của người dân TP đi đầu cả nước về sáng tạo, đột phá, như kiểu đá bóng phải bảo vệ màu cờ sắc áo.

Phân tích thực tế hiện nay, đồng chí Nguyễn Thành Chung đánh giá, cấp trên ôm nhiều quá nên cấp dưới không chủ động, sáng tạo được. Cùng với đó, là tiêu cực nhiều quá,  là "văn hóa bao thư"; nên có sáng tạo cũng không được xem xét.

Do vậy, TPHCM cần nghiên cứu, xây dựng quy chế khuyến khích sáng tạo, nhưng cũng có các quy định cụ thể để bảo vệ và tôn vinh như thế nào. Cụ thể, người đứng đầu, người xem xét sẽ chịu trách nhiệm, còn cấp dưới có quyền đề xuất sáng tạo.

Tại hội nghị, Chánh án TAND TPHCM Ung Thị Xuân Hương, thông báo tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mỗi năm án hình sự giảm đều. Tuy nhiên, từ 2017, án phức tạp, án điểm tăng rất cao có vụ đến 70 bị cáo như vụ Phạm Công Danh. Năm 2018 trong 11 án điểm của cả nước thì TPHCM có 6 vụ.

Nhìn chung, trong 6 năm qua, lượng án ở TP tăng gấp đôi. Thẩm phán thiếu, thư ký thiếu nhưng TAND TP lại phải giảm 10% biên chế. Qua thống kê, mỗi thẩm phán phải xử lý 10 vụ án trong một tháng, trong khi chỉ tiêu giao chỉ từ 4-6 vụ/tháng. Trước áp lực lớn như trên, nhiều người xin nghỉ việc. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm đã có 20 nhân sự ngành tòa án nghỉ việc, trong đó có 10 thẩm phán. Những năm trước chỉ có từ 1-2 người xin nghỉ/năm.

Do đó, TAND TP kiến nghị xin giữ nguyên biên chế, không tăng thêm nhân sự để đảm bảo giải quyết lượng án gia tăng gấp đôi. “Việc giảm biên chế phải căn cứ thực tế địa phương chứ không thể thực hiện cào bằng”, Chánh án TAND TP Ung Thị Xuân Hương đề nghị và cho biết, cả tỉnh tỉnh Ninh Thuận có khoảng 3.000 án/năm, thấp hơn quận Bình Thạnh với 4.000 án/năm. Chính vì vậy, TAND TP đã kiến nghị TAND Tối cao xem xét vấn đề này. Nếu giảm cào bằng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các địa phương có lượng án rất lớn như TPHCM.

Tin cùng chuyên mục