Hội nghị quốc tế lần thứ 19 về AIDS khai mạc ngày 22-7 tại Washington D.C, Mỹ. Đây được xem là diễn đàn lớn nhất về AIDS từ trước tới nay thu hút 25.000 người tham dự. Với những nỗ lực không ngừng của cả thế giới trong 3 thập niên qua, giờ đây ngày càng có nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân.
Những tín hiệu lạc quan
25.000 đại biểu tham dự hội nghị gồm các nhà chính trị, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội. Đặc biệt, có những bệnh nhân đại diện cho 34 triệu người nhiễm HIV sẽ kể câu chuyện của họ về cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ này. Với chủ đề “Cùng nhau đổi hướng thủy triều” (“Turning the Tide Together”), hội nghị 2 năm một lần này lần đầu tiên trở lại Mỹ kể từ năm 1990, năm Mỹ áp dụng luật không cho phép người nhiễm HIV vào Mỹ. Luật này đã bị bãi bỏ vào năm 2009.
Căn bệnh xuất hiện từ đầu thập niên 1980, có những lúc tưởng như HIV/AIDS sẽ nhấn chìm thế giới. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực vượt bậc, thế giới ngày càng có nhiều tiến bộ trong phòng và điều trị HIV/AIDS. Số người chết và nhiễm đang giảm ở tất cả mọi nơi trên thế giới, kể cả những nơi mà HIV/AIDS hoành hành mạnh nhất. Số người được chữa trị trên toàn cầu tăng 20% từ năm 2010 tới năm 2011. Tuần qua, Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm của Mỹ đã công nhận thuốc Truvala là thuốc phòng HIV/AIDS, càng mở ra nhiều hướng mới ngăn chặn HIV/AIDS.
Trong số những đại diện bệnh nhân HIV/AIDS có một người Mỹ mang tên Timothy Brown, được xem là người đầu tiên trên thế giới thoát khỏi lưỡi hái tử thần của bệnh AIDS thông qua việc ghép tủy. Anh Brown sẽ xuất hiện tại hội nghị để kêu gọi thế giới tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực chống HIV/AIDS.
Trong suốt 6 ngày diễn ra hội nghị, sẽ có nhiều bài phát biểu của các nhân vật quan trọng, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng chồng là cựu Tổng thống Bill Clinton. Ngoài ra còn có cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Laura Bush, ca sĩ Elton John, Bill Gates và nữ diễn viên gạo cội Hollywood Whoopi Goldberg. Thế nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ phát biểu qua băng video và ông sẽ tiếp một số đại biểu tại Nhà Trắng.
Cần những nỗ lực lớn hơn
Mặc dù vậy, số người được chữa trị HIV/AIDS trên toàn cầu cho tới nay chỉ đạt 50%. Con số 34 triệu người đang sống chung với HIV vẫn là cao nhất từ trước tới nay. Tính từ khi HIV/AIDS xuất hiện tới nay, đã có 30 triệu người chết liên quan đến căn bệnh này.
Để tìm phương cách chữa trị hiệu quả căn bệnh chết người này, theo AFP, thế giới đang diễn ra một cuộc “săn lùng”. Nhà khoa học đoạt giải Nobel và là đồng tác giả khám phá ra HIV, ông Francoise Barre-Sinoussi, ngày 19-7 đã công bố một lộ trình để các nhà khoa học tìm kiếm cách chữa trị mới cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Thế nhưng, vấn đề tài chính đang là thách thức lớn. Trong khi nhiều quốc gia tăng chi tiêu để đối phó với HIV/AIDS thì vấn đề tài trợ quốc tế đang giảm. Theo số liệu của UNAIDS - Cơ quan Phòng chống HIV/AIDS thuộc LHQ, tổng chi phí trên toàn cầu để chiến đấu chống HIV/AIDS là 16,8 tỷ USD năm 2011, tăng 11% so với năm 2010 nhưng đến năm 2015 cần phải có thêm từ 22 - 24 tỷ USD.
Tổ chức Thầy thuốc không biên giới đã kêu gọi tăng gấp đôi tốc độ điều trị HIV/AIDS và tăng gấp đôi số tiền tài trợ cho những người cần điều trị. Thế nhưng Mỹ và nhiều nước khác đang gặp khó khăn rất lớn trong thời buổi bội chi ngân sách nên việc tăng thêm tài trợ chống HIV/AIDS đang là dấu hỏi lớn. Chỉ riêng cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama nâng thêm tiền tài trợ cho việc phòng chống HIV/AIDS từ 4 - 6 triệu USD trong năm 2013 thôi cũng đã khó thực hiện.
Theo báo New York Times, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, song chỉ nói với vấn đề xét nghiệm vẫn còn nhiều hạn chế. Ngay tại Mỹ, do thiếu xét nghiệm nên có khoảng 240.000 người Mỹ không biết mình nhiễm HIV. Điều này rất nguy hiểm trong việc phòng lây lan.
Thủ đô Washington D.C là nơi có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao hơn 5 nước châu Phi nằm trong chương trình tài trợ giảm nhẹ AIDS của Tổng thống Mỹ (PEPFAR).
KHÁNH MINH (tổng hợp)