(SGGP).- Ngày 12-4, Hội nghị BCH Đảng bộ TPHCM lần thứ 9 (khóa IX) khai mạc dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đọc Tờ trình dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010 và thảo luận sôi nổi về những nội dung trên.
Trong 10 năm qua, ngoài việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, kinh tế TPHCM tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, đóng góp tích cực quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, TPHCM luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng cải thiện kết cấu hạ tầng, phát triển các khu đô thị mới; chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo; giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Về xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Đua nêu rõ, công tác này được tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ TPHCM được nâng lên một bước; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và hoạt động ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò của TP. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; kết cấu hạ tầng yếu kém và ngày càng quá tải; phát triển văn hóa chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của TP; chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập. Công tác xây dựng Đảng còn một số mặt hạn chế, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, giảm sút ý chí chiến đấu. Nhưng nhìn cả quá trình 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị, TPHCM đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện.
Về mục tiêu tới năm 2020, đồng chí Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh, TPHCM tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển TP nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, làm tốt vai trò đầu tàu Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng TPHCM thành thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ lớn của đất nước và khu vực Đông Nam Á; đóng góp tích cực cùng cả nước đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Trong 10 năm tới, TPHCM phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm, cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước; GDP bình quân đầu người vào năm 2020 đạt khoảng 8.500 USD. Một trong 6 giải pháp cơ bản là TPHCM tiếp tục thúc đẩy phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
Tiếp đó, hội nghị nghe và thảo luận báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vận động nhân dân ở TPHCM năm 2011.
Hôm nay 13-4, hội nghị tiếp tục làm việc.
Thùy Trang
10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị
Thành tựu của TPHCM góp phần giữ vững ổn định đất nước
Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM là rất quan trọng và toàn diện; việc giữ vững ổn định chính trị của TPHCM góp phần giữ vững ổn định của đất nước. Đó là kết quả TPHCM đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010”.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng
Nét nổi bật qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị là chuyển dịch cơ cấu của TPHCM đi đúng hướng và khá mạnh mẽ. Chính vì vậy, dù phải chịu tác động xấu của khủng hoảng kinh tế, tài chính quốc tế, TPHCM vẫn trụ vững và có bước phát triển tiến bộ, giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động khai thác nội lực của TP gắn kết chặt chẽ với việc huy động sức mạnh tổng hợp của khu vực và cả nước, với sự hội nhập và hợp tác quốc tế.
Nhiệm kỳ 2001-2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TPHCM là 11%. Đến cuối nhiệm kỳ 2005-2010, tỷ lệ này là 11,2%, bằng 1,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trên 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Với tinh thần “Vì cả nước, cùng cả nước”, TPHCM đưa tỷ trọng dịch vụ chiếm 53,6% GDP, công nghiệp xây dựng chiếm 43,5% GDP, nông nghiệp chiếm 1,1%, và từng bước xây dựng TP trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ, công nghệ cao, xứng đáng là đầu tàu kinh tế cả nước.
Thành quả có được là nhờ TPHCM tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, năng động, sáng tạo, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ kinh nghiệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, TPHCM giúp cho Trung ương có thêm thực tiễn sinh động để hình thành tư duy, phát triển nghiên cứu lý luận, đề ra chủ trương, chính sách phù hợp với thực tế.
Nhiệm kỳ 2006-2010, từ thực tiễn của TPHCM, Hội đồng Lý luận Trung ương có cơ sở nghiên cứu 4 chuyên đề lớn về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế, phát triển và quản lý báo chí, cải cách hành chính.
Nhìn cả quá trình, TPHCM có bước phát triển khá nhanh, nhưng so với yêu cầu và tiềm năng thì còn chậm. Đại hội IX của Đảng bộ TPHCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, phát triển các loại thị trường tài chính, khoa học công nghệ, bất động sản... còn chậm.
Điều mà người dân hàng ngày bức xúc và đang là lực cản cho sự phát triển KT-XH TP, đó hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị rất yếu kém, như ách tắc, tai nạn giao thông, ngập nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm khói bụi và nguồn nước…
Mục tiêu 10 năm tới đang đặt ra cho Đảng bộ TPHCM tập trung sức khắc phục hạn chế, yếu kém, phấn đấu xây dựng TPHCM thành một thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại khoa học-công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Phát huy động lực sáng tạo
Như bản tính bền bỉ, mạnh mẽ và khoáng đạt trong nếp nghĩ, nếp sống để vượt qua mọi hoàn cảnh của người dân Nam bộ, càng nhiều khó khăn và thách thức, TPHCM càng có thêm động lực phát huy tính năng động, sáng tạo và coi đó là thế mạnh của mình. Việc quán triệt, vận dụng quan điểm, đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của TP, cũng như những đóng góp tích cực trong việc tháo gỡ cơ chế cũ không phù hợp, đã chứng minh điều đó. Mặt khác, những hạn chế trong phát triển kinh tế, những yếu kém tồn tại trong nhiều lĩnh vực chậm được khắc phục đều có nguyên nhân do chưa phát huy cao nhất thế mạnh này. Kinh nghiệm trên cần được tiếp tục khai thác, phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong 10 năm tới.
Một bài học thực tiễn khác là khâu chỉ đạo tổ chức thực hiện phải thật sâu sát và cụ thể, đồng bộ và kiên quyết. Khi đã xác định hướng đi đúng đắn và phục vụ lợi ích của toàn xã hội, TPHCM luôn kiên trì và kiên quyết thực hiện cho kỳ được mục tiêu. Đây thực chất là sự thay đổi phong cách làm việc, là đề cao dân chủ bàn bạc, phát huy trí tuệ của tập thể và nhân dân, là tăng cường trách nhiệm cá nhân. Mặt khác, trong từng thời điểm phải có sự tập trung cao, dám quyết đoán, dám đưa ra giải pháp táo bạo; biết tổ chức phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng, các đơn vị.
Thành công hay khuyết điểm, thiếu sót trong việc thực hiện đều có nguyên nhân từ công tác cán bộ. Kinh nghiệm 10 năm chỉ ra rằng, khi bố trí đúng cán bộ thì công việc đạt kết quả cao; khi kiên quyết thay đổi những cán bộ kém năng lực, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ thì công việc trôi chảy hơn.
| |
Tuấn Sơn