Hội nghị Thượng đỉnh EU kết thúc có hậu

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc vào đêm 9-12 (tức rạng sáng 10-12 giờ VN) đã đạt được thỏa thuận. Theo đó 26/27 thành viên EU đồng ý tham gia một “cơ chế tài chính mới” để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện đang đe dọa sự tồn tại của đồng EUR.
Hội nghị Thượng đỉnh EU kết thúc có hậu

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc vào đêm 9-12 (tức rạng sáng 10-12 giờ VN) đã đạt được thỏa thuận. Theo đó 26/27 thành viên EU đồng ý tham gia một “cơ chế tài chính mới” để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện đang đe dọa sự tồn tại của đồng EUR.

  • EU sẽ hội nhập sâu hơn và kỷ luật hơn

AFP dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà rất hài lòng về kết quả hội nghị khi đại đa số thành viên EU đồng ý cơ chế giám sát tài chính mới với các nước thành viên. Theo đó sẽ áp đặt cấm vận đối với các thành viên bị nợ và thâm hụt ngân sách. Nhà lãnh đạo Đức cho biết đây là một bước đột phá cho sự ổn định của liên minh và nhấn mạnh EU sẽ sử dụng cuộc khủng hoảng như cơ hội cho một khởi đầu mới. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hân hoan tuyên bố hội nghị thượng đỉnh này sẽ đi vào lịch sử đánh dấu sự hội nhập sâu rộng hơn trong EU.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sắp tới sẽ có vai trò quan trọng hơn để giám sát các nền kinh tế thành viên.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sắp tới sẽ có vai trò quan trọng hơn để giám sát các nền kinh tế thành viên.

Thỏa thuận mới về giám sát tài chính của EU được 17 nước khu vực đồng tiền chung EUR (Eurozone) ký kết. Các nước Bungaria, Đan Mạch, Latvia, Litva, Ba Lan, Hungary, Romania, Czech và Thụy Điển đang tham vấn các cơ quan lập pháp của các nước này trước khi quyết định có tham gia hay không. Anh không ký kết. Thỏa thuận mới sẽ được các chính phủ 17 nước Eurozone thông qua vào tháng 3 năm sau. Ngoài ra, cũng còn một số rủi ro khi nhiều thành viên phải trưng cầu dân ý về thỏa thuận này.

Thỏa thuận mới có thể gọi là một “công ước tài chính” dựa trên các hiệp ước liên chính phủ, chỉ áp dụng cho Eurozone và những nước tham gia công ước này. Trong tương lai, thuế và kế hoạch chi tiêu của các nước thành viên EU sẽ phải đệ trình các cơ quan chức năng EU trước khi gửi các chính phủ. Điều này có nghĩa rằng các thành viên sẽ bị mất đi phần chủ quyền tài chính của mình.

Để trấn an dư luận, các nguồn tin từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ngân hàng sẽ giữ mức mua trái phiếu trong vòng 20 tỷ EUR mỗi tuần vì họ thấy không cần phải có thêm động thái gì sau thành công của hội nghị. ECB cũng sẽ cung cấp kinh phí không giới hạn trong vòng 3 năm để các ngân hàng châu Âu thiếu tiền mặt hoạt động hiệu quả hơn bằng cách cho phép họ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ.

Điều này có nghĩa là các ngân hàng thành viên sẽ đảm bảo được tính thanh khoản. Trước mắt, hôm thứ sáu ECB đã mua trái phiếu Chính phủ Italia để bình ổn thị trường. Sau những động thái này, đồng EUR tăng giá, cổ phiếu Mỹ tăng lên nhưng các nhà phân tích cho rằng hội nghị chưa thể thuyết phục thị trường rằng họ đang có một giải pháp chống khủng hoảng khả thi trong tay. Thậm chí khi được hỏi: đồng EUR có an toàn chưa, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trả lời: Tôi không chắc.

  • EU thất vọng với Anh

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy được xem là một trong những người giành được chiến thắng lớn sau hội nghị thượng đỉnh này vì là người chủ trương đưa ra các biện pháp quản lý tài chính mới. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng vậy khi đã thành công trong việc đưa “tính kỷ luật” chặt chẽ của Đức về ngân sách vào trong thỏa thuận mới. Trong khi Anh trở nên lẻ loi vì không cùng với 26 nước thành viên EU khác tham gia hoặc cam kết tham gia thỏa thuận mới.

Một quan chức cấp cao EU tham gia hội nghị thượng đỉnh nói: “Trong mắt truyền thông của Pháp, Anh chưa thật sự thuộc về EU, từ thời De Gaulle đến nay”. Ông này nhắc tới việc Tổng thống Pháp từng phủ quyết đơn xin gia nhập EU của Anh năm 1963 và 1967. Báo chí Anh cho rằng đối với những người hoài nghi EU, Thủ tướng Anh David Cameron là người hùng nhưng ông trở thành người thua cuộc lớn nhất tại hội nghị thượng đỉnh khi một mình không đồng thuận với 26 lãnh đạo khác của các thành viên EU.

Theo BBC, Thủ tướng David Cameron cố tìm cách giành một thỏa thuận bảo vệ thị trường tài chính ở London nhưng bị bác bỏ. Ông Cameron đã làm nhiều lãnh đạo bực bội vì phủ quyết dự án thắt chặt hơn nữa liên kết châu Âu vào đúng lúc họ cần Anh ủng hộ. Nhưng ông Cameron có cái lý của mình khi cho rằng nếu ông đồng ý với những sửa đổi các hiệp định của EU có nghĩa là ông đi ngược lại quyền lợi nước Anh. Điều này khiến nhiều lãnh đạo châu Âu thất vọng với nước Anh. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục