Ủng hộ chủ nghĩa đa phương
Trong tuyên bố chung, hai bên thống nhất cơ chế hợp tác về mạng 5G dựa trên Tuyên bố chung 5G, ký kết năm 2015, trong đó có việc hợp tác công nghệ giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Điểm đáng chú ý trong tuyên bố chung này là việc hai bên đều đồng ý không ép buộc chuyển giao công nghệ. Đây vốn là vấn đề gây khúc mắc giữa hai bên trong thời gian gần đây. EU nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính sách buộc chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định rằng việc chuyển giao công nghệ là tự nguyện. Ngoài ra, EU cũng đặt nhiều dấu hỏi khi Trung Quốc để mắt các công ty công nghệ châu Âu. Sáng kiến “Made in China 2025” của Bắc Kinh là một kế hoạch tham vọng nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ với phương Tây, nhưng EU lo ngại đây là “bước đệm” để Trung Quốc kiểm soát một số công nghệ quan trọng.
Bên cạnh đó, hai bên cũng nhắc lại việc tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản trong việc quản lý các mối quan hệ quốc tế. Về thương mại, EU-Trung Quốc kiên định ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó nòng cốt là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hai bên phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, cũng như cam kết thực thi các quy định của WTO; tái khẳng định cam kết hợp tác chung trong việc cải tổ WTO, nhằm giúp tổ chức này đối phó với các thách thức thương mại toàn cầu. Theo tuyên bố chung, hai bên nhất trí tăng cường thảo luận củng cố các nguyên tắc quốc tế về việc trợ cấp, tiếp tục hợp tác giải quyết xung đột tại Cơ quan phúc thẩm WTO.
Ngoài ra, hai bên cũng nhấn mạnh sự ủng hộ đối với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng như nhất trí củng cố G20, theo tinh thần quan hệ đối tác và nguyên tắc đồng thuận và tái khẳng định cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương.
“Chiến thắng” của EU
Theo giới quan sát, việc hai bên cùng đạt được thỏa thuận chung cho thấy nỗ lực gây áp lực với Trung Quốc của EU đã đạt được thành công với một số nhân nhượng quan trọng từ phía Bắc Kinh. Trong cuộc gặp với thủ tướng Trung Quốc diễn ra trước hội nghị, Chủ tịch Ủy Ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh đến yếu tố bình đẳng trong quan hệ đầu tư thương mại, theo đó các doanh nghiệp châu Âu làm việc tại Trung Quốc phải được hưởng các quyền lợi tương tự như các doanh nghiệp Trung Quốc làm việc tại châu Âu.
Hiện EU đang ở trong thế khó vì bị kẹp giữa hai đối thủ nặng ký, một bên là Trung Quốc, bên kia là chính phủ Tổng thống Donald Trump với chính sách đơn phương, coi “nước Mỹ trên hết”. EU buộc phải tái cân bằng quan hệ thương mại với Trung Quốc trong khi quốc gia tỷ dân này cũng tiếp tục muốn đẩy mạnh đầu tư thương mại tại châu Âu. Trong tháng 3 năm nay, Hội đồng châu Âu (EC) đã đề xuất kế hoạch 10 điểm nhằm tái cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề kinh tế, trong bối cảnh Bắc Kinh đang ngày càng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó có công nghệ liên lạc mới. Kế hoạch hành động này đánh dấu sự chuyển dịch trong lập trường của EU đối với đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc. Tuy tuyên bố chung được xem là thắng lợi của EU trong khi tìm kiếm mối quan hệ thương mại cân bằng hơn với Trung Quốc, nhưng theo giới phân tích vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa mới có thể đưa ra kết luận rằng liệu EU có đạt được mục tiêu đề ra hay không.
Theo kế hoạch, sau hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ tham dự hội nghị 16+1, diễn ra giữa Trung Quốc và một số quốc gia trong và ngoài EU thuộc châu Âu tại Croatia. Theo South Morning China Post, với quyết định cho phép quan chức EU xem xét các dự thảo hợp đồng sẽ được ký kết, Trung Quốc và 16 quốc gia tham dự hội nghị đều đang cố gắng để giảm bớt lo lắng của EU bằng cách tỏ ra minh bạch hơn trong các dự án.