Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc tại St.Petersburg ngày 5-9 trở thành diễn đàn để Mỹ vận động các nước tham gia tấn công Syria bên cạnh các vấn đề kinh tế nóng bỏng của toàn cầu.
Diễn đàn vận động của Mỹ
Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hội nghị thượng đỉnh G20 với hành trang là sự phê chuẩn của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ cho kế hoạch tấn công Syria. Tuy nhiên, theo AFP, ông vẫn muốn tranh thủ diễn đàn này để giảm bất đồng giữa các nước lớn trong chiến dịch tấn công Syria.
Ngoài việc phải thuyết phục Nga, ông Obama còn phải thuyết phục Trung Quốc, cả hai đều là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong việc ủng hộ Mỹ tấn công Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5-9 tiếp tục khẳng định cuộc tấn công của phương Tây vào Syria mà không có sự phê chuẩn của HĐBA LHQ là điều không thể chấp nhận. Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama không có cuộc gặp chính thức nhưng theo Nhà Trắng, hai người sẽ có đối thoại.
Reuters dẫn lời các quan chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp riêng Tổng thống Pháp Francois Hollande bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 cùng với lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản. Mỹ đang mong đợi Chính phủ Pháp thúc đẩy cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội để cùng với Mỹ tấn công Syria. Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault nói trước Quốc hội rằng nếu không hành động, “hòa bình và an ninh toàn khu vực Trung Đông sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm”. Phần đông thành viên đảng Xã hội của Tổng thống Pháp Francois Hollande, đảng chiếm đa số trong Hạ viện Pháp, ủng hộ hành động quân sự đối với Syria, song một số đảng lớn khác, trong đó có UMP đối lập, phản đối. Các nghị sĩ Pháp cũng quan ngại về hậu quả của việc can thiệp quân sự vào Syria, đặc biệt đối với lực lượng gìn giữ hòa bình của Pháp tại Lebanon, nước láng giềng của Syria.
Thêm lo ngại từ FED
Vấn đề Syria nóng nhưng chỉ mang tính chất bên lề, vấn đề mấu chốt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vẫn là kinh tế thế giới. Tại hội nghị, Nga và Trung Quốc cảnh báo rằng chuyện Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) kết thúc chương trình mua trái phiếu có thể gây tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu và kêu gọi Mỹ thận trọng.
Theo Reuters, ông Chu Quang Diệu, Thứ trưởng Bộ Tài chính của Trung Quốc, kêu gọi Mỹ “lưu tâm đến những hiệu ứng lan tỏa và cho rằng Mỹ nên đóng góp vào sự ổn định của thị trường tài chính và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu”. Chủ tịch FED Ben Bernanke sau khi tuyên bố Mỹ sẽ ngừng các gói kích thích trị giá 85 tỷ USD hàng tháng, đã gây ra một đợt bán tống bán tháo trái phiếu tại các thị trường mới nổi. Đây là một trong những nguyên nhân là nhiều nền kinh tế mới nổi, nhất là Ấn Độ, chứng kiến hiện tượng chảy máu ngoại tệ, đẩy giá đồng rupee rớt thê thảm. Đồng rupee cũng là đồng tiền kém hấp dẫn nhất châu Á trong năm nay, đã mất 1/5 giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm 2013. Ông Arvind Mayaram, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế Ấn Độ kêu gọi G20 đưa ra một tuyên bố rất mạnh mẽ với những động thái từ FED.
FED dự kiến trong tháng 9 sẽ bắt đầu giảm số tiền kích thích kinh tế. Điều này có nghĩa là các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi hàng xuất khẩu sang Mỹ không còn hưởng lợi do USD đã tăng giá.
Theo báo The Guardian, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, có thể khởi động lại hợp đồng bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Syria nếu Mỹ tấn công quân sự Syria mà không thông qua HĐBA LHQ. Ông Putin còn ngụ ý rằng Nga sẽ bán S-300 cho bất kỳ nơi nào trên thế giới bị đe dọa tấn công. Trong khi dự hội nghị G20, các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria. |
THỤY VŨ (tổng hợp)
- Thông tin liên quan:
>> Nghị sĩ Mỹ ủng hộ tấn công quân sự công Syria