Hôm nay 9-11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ có chuyến công du Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Israel, hội kiến với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Cuộc gặp lần này được dư luận rất quan tâm bởi đây được xem là cơ hội đồng minh Mỹ-Israel hàn gắn mối quan hệ, vốn trở nên vô cùng căng thẳng kể từ sau thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran.
Tăng viện trợ quân sự
Theo tờ Wall Street Journal, Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu sẽ thảo luận về khả năng Mỹ tăng thêm viện trợ quân sự cho Israel như là một phần của thỏa thuận an ninh được thương lượng lại giữa hai nước. Ngoài ra, 2 bên sẽ bàn về một thỏa thuận mua bán các hệ thống vũ khí tối tân trong 10 năm với tổng trị giá hơn 30 tỷ USD. Theo đó, Israel mua thêm máy bay F-35, ngoài 33 chiếc đã đặt mua trước đó, các loại vũ khí có tính chính xác cao, cũng như cơ hội sở hữu máy bay vận tải MV-22 Osprey và các hệ thống vũ khí khác nhằm đảm bảo lợi thế quân sự của Israel trước các nước láng giềng. F-35 là loại máy bay chiến đấu duy nhất có thể đối phó với hệ thống tên lửa đất đối không S-300 mà Nga có ý định bán cho Iran.
Hội nghị thượng đỉnh lần này có giúp Mỹ và Israel lại cùng nhìn về một hướng?
Một số nguồn tin cho biết, Israel có thể sẽ tìm kiếm sự đảm bảo rằng các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực không sở hữu loại máy bay này. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không được ký kết trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này và chỉ có hiệu lực sau khi gói viện trợ quân sự hiện nay của Mỹ dành cho Israel hết hạn vào năm 2017.
Cột mốc quan trọng
Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang bị phủ bóng do những bất đồng liên quan thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) do Mỹ bảo trợ, đạt được hồi tháng 7 vừa qua. Vì lý do này, Israel trước đó đã quyết định tạm ngừng đối thoại với Mỹ về viện trợ quốc phòng cho Tel Aviv. Trước khi bị trì hoãn, hai bên đã tiến gần đến thỏa thuận về một gói viện trợ mới trị giá 3,7 tỷ USD/năm.
Giới quan sát cho biết, các cuộc đối thoại giữa quan chức 2 nước đạt được tiến triển rất ít kể từ căng thẳng hạt nhân Iran. Từ lâu, Israel luôn coi Iran và chương trình hạt nhân của nước này là cái gai trong mắt, đe dọa sự ổn định của Tel Aviv. Việc Mỹ đạt được thỏa thuận với Iran không khác gì Mỹ phản bội đồng minh Israel.
Về phần mình, Mỹ vẫn muốn chứng minh rằng Israel luôn là đồng minh số một của Washington tại Trung Đông. Thỏa thuận an ninh Mỹ - Israel sẽ hết hạn vào năm 2017 và Washington xem việc tập trung vào thương lượng lại thỏa thuận này như là một cách để chứng minh cam kết về quan hệ đồng minh của Mỹ với Israel. Mỹ đã đưa ra rất nhiều đề nghị đàm phán với Israel về gói viện trợ quân sự mới trong suốt mùa hè vừa qua nhưng đều bị Thủ tướng Israel từ chối. Vì vậy, theo Ben Rhodes, Phó cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng, cuộc gặp lần này là “một cột mốc vô cùng quan trọng” trong việc cải thiện mối quan Mỹ - Israel. Tổng thống Mỹ Obama sẽ nỗ lực giảm căng thẳng trong quan hệ với Israel cũng là để người kế nhiệm ông không phải gặp nhiều trắc trở với đồng minh số một của Mỹ tại khu vực Trung Đông.
Giờ đây, trong cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo sau hơn 1 năm, nhiều nhà phân tích cho rằng Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu sẽ cùng tìm kiếm sự đồng thuận ở những lĩnh vực mà họ quan tâm. Trong đó, rất có thể Tổng thống Mỹ mong muốn có sự đảm bảo từ phía ông Netanyahu rằng Israel sẽ không tiến hành các bước làm xói mòn thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Michèle Flournoy, Giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh mới của Mỹ nhận định, chưa bao giờ quan hệ Mỹ - Israel có biến động lớn như ở thời điểm hiện nay. Vì vậy, cuộc gặp lần này mang rất nhiều ý nghĩa trong việc khẳng định lại giá trị chiến lược của mối quan hệ đồng minh Mỹ - Israel.
ĐỖ CAO (tổng hợp)