Sự thẳng thắn, không né tránh những vấn đề gai góc là nội dung đối thoại giữa đại diện các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới với các doanh nghiệp VN khi đánh giá thực trạng và triển vọng phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại công nghệ (do SAVVi, IDG Ventures, DFJ Capital và IBM tổ chức) tại TPHCM vừa qua.
Bất cập hành chính, hạ tầng công nghệ
Ông Ngô Đức Chí, Chủ tịch HĐQT Global Cybershot cho rằng, hạ tầng viễn thông ở Việt Nam chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư của các công ty nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phần mềm. Ông đưa ra ví dụ so sánh, nếu như ở một số nước, băng thông rộng hỗ trợ cho ngành này lên tới 30Mbps, riêng ở Việt Nam mới chỉ đạt 3Mbps. Ông Hàn Nhật Quang, Tổng Giám đốc Aricent Việt Nam lại cho rằng chính sách về xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất nhập khẩu các thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất phần mềm thường xuyên gặp những khó khăn do thủ tục còn quá rườm rà, nhiêu khê.
Thẳng thắn hơn, ông Ash Bhardwaj, Chủ tịch InfoNam, cho rằng mặc dù ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đã có 10 năm phát triển và tạo được dấu ấn nhưng thế giới vẫn chưa biết nhiều về năng lực của Việt Nam. Đó là chưa nói đến các thủ tục hành chính, nếu so với các thị trường lân cận như Trung Quốc, Thái Lan… thì Việt Nam cần nhiều nỗ lực cải cách hành chính hơn nữa, đặc biệt là visa cho các doanh nhân. Ông kể, khi nào đi công tác nước ngoài cũng phải lên xuống đóng dấu xác nhận gây rất nhiều khó khăn và mất thời gian.
Về cơ sở hạ tầng, ông Ash Bhardwaj lấy ví dụ: Ở Trung Quốc, khi ông muốn đến thăm ngôi làng cách trung tâm TP 15 dặm, ông thị trưởng TP cho biết đi đến đó phải mất 5 giờ đồng hồ và ông cũng hứa rằng 6 tháng sau mọi việc sẽ thay đổi tốt hơn. 6 tháng sau, khi ông Bhardwaj quay lại, chỉ mất 1 giờ đến ngôi làng vì hạ tầng đã được xây dựng và quan trọng hơn là chính quyền TP đã giữ lời hứa với nhà đầu tư. Trong khi đó, ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, hạ tầng và giao thông là một trở ngại lớn cho nhà đầu tư.
Đã có những bước phát triển
Là người đầu tư khá lâu năm và nổi tiếng tại TPHCM, ông Nguyễn Hữu Lệ, Giám đốc Công ty Phần mềm TMA cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây chính là Việt Nam đang thiếu một nhà tổ chức, người truyền thông cho ngành này. Do chính sách truyền thông trong lĩnh vực phần mềm chưa tốt nên nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam ít có cơ hội tìm hiểu từ xa, nhất là khi tìm thông tin. Tuy nhiên, ông Lệ khẳng định, trong 10 năm qua, cơ sở hạ tầng phần mềm ở Việt Nam rất tiến bộ, chẳng hạn như nguồn điện ở Việt Nam tốt hơn Ấn Độ, Trung Quốc… rất nhiều. Hay về băng thông rộng, Việt Nam hiện nay đã đáp ứng được 8Mbps mà giá vẫn không thay đổi so với thời xưa chỉ 256Kbps.
Ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung, nhìn nhận cách đánh giá như vậy về các chính sách và cơ sở hạ tầng công nghiệp phần mềm của Việt Nam là còn phiến diện và cần phải xem lại. Theo ông, đúng là cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cần tiếp tục cải thiện nhưng phải thừa nhận rằng tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt là băng thông rộng và internet luôn ở vị trí dẫn đầu. Sự chuyển biến là ở chỗ năm 2000 chỉ có VNPT cung cấp dịch vụ, giờ đã có hơn 30 nhà cung cấp, hơn nữa Chính phủ cho phép kết nối với quốc tế với giá cải thiện rất nhiều.
Việc nhập khẩu, xuất khẩu thiết bị hiện nay cũng đã được miễn thuế nhập khẩu và với thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, thiết bị nhập khẩu cho ngành này có nhiều đặc thù, Chính phủ cũng đã xem xét để điều chỉnh phù hợp hơn. Vì thế ông Dũng mong rằng với những sự chia sẻ thông tin như thế, các nhà đầu tư sẽ rõ hơn môi trường đầu tư ở Việt Nam, nếu không sẽ dẫn đến việc nhìn nhận chưa đúng.
Game online - Cần có sự nhìn nhận hợp lý “Không thể dựa vào cảm xúc, phản ứng dư luận xã hội mà đưa ra hình thức quản lý, quản lý trò chơi trực tuyến (game online - GO) mà cần phải cân bằng và có sự điều phối”, đó là nhận định của ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng Giám đốc IDG Ventures Vietnam trong buổi thảo luận về vai trò của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Còn theo Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trần Đức Lai, phải nhìn nhận nội dung số còn quá mới mẻ ở Việt Nam nên để phát triển và quản lý cần có sự nhìn nhận một cách hợp lý. Chẳng hạn như GO, chiếm vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp nội dung số, nhưng những tác động xấu trong xã hội hiện nay lại đổ hết cho GO là chưa đầy đủ. Ông Arthur Trueger - nhà sáng lập và Chủ tịch Bekeley International Capital Corp chỉ ra: GO là một ngành quan trọng và có tiềm năng phát triển lớn, những thành kiến về GO ở một số bộ phận như gia đình, phụ huynh sẽ có sự thay đổi và để làm được điều đó, Chính phủ phải có những quyết sách quan trọng… |
Bá Tân