Tại buổi gặp mặt, các chuyên gia, nhà khoa học của hội đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, nhất là Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với nhiều đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học và khẳng định, Quốc hội sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động, phát huy trí tuệ của toàn dân, chắt lọc các ý kiến, đề xuất xác đáng, các vấn đề đã chín, đã rõ, thống nhất cao để thể chế hóa vào luật.
Quang cảnh cuộc gặp. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Chúc mừng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam sau 25 năm thành lập đã có nhiều đóng góp không chỉ cho Trung ương, mà cho cả địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hội tiếp tục quán triệt sâu sắc, thấm nhuần quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị, trực tiếp là Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị.
“Nghị quyết số 06 yêu cầu phải kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng "quy hoạch treo", cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch... Đây là căn bệnh của chúng ta vừa qua. Nếu tình trạng này còn tiếp tục xảy ra, với chức năng tư vấn, thẩm định, phản biện xã hội... thì hội cũng có một phần trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Khẳng định “quy hoạch cũng chính là cuộc sống”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quy hoạch phát triển đô thị có vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội và cũng là một công cụ rất hữu hiệu để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển. Đô thị hóa phải gắn liền với quá trình công nghiệp hóa. Nếu đô thị hóa “chạy” nhanh hơn công nghiệp hóa sẽ dẫn đến những khu đô thị vắng bóng người. Ngược lại, nếu “chạy” chậm hơn sẽ dẫn đến sự thiếu hụt các thiết chế cần thiết cho công nghiệp hóa và gây ra những hệ luỵ, tác động sâu sắc đối với xã hội.
Chia sẻ về lý do Quốc hội quyết định chưa sửa ngay Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu sửa đổi luật sẽ mất rất nhiều thời gian và sẽ gây ách tắc công tác quy hoạch. Thay vào đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15 cho phép áp dụng ngay một số giải pháp, biện pháp đặc biệt, cấp bách để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, yêu cầu Chính phủ trên cơ sở thực tiễn thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết số 61 sẽ tổng kết toàn diện để sửa đổi Luật Quy hoạch. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hội tiếp tục theo dõi, phản biện trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được quyết định, phê duyệt.