Hồi sinh kênh Ba Bò

Kênh Ba Bò chảy qua địa bàn phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (TPHCM) và phường Bình Hòa, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương). Con kênh này suốt nhiều năm liền được mệnh danh “dòng kênh thối”, luôn ám ảnh cuộc sống của người dân xung quanh. Vào cuối tháng 4 vừa qua, sau hơn một năm thi công, công trình cải tạo, nâng cấp kênh Ba Bò đã được hoàn thành.
Hồi sinh kênh Ba Bò

Kênh Ba Bò chảy qua địa bàn phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (TPHCM) và phường Bình Hòa, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương). Con kênh này suốt nhiều năm liền được mệnh danh “dòng kênh thối”, luôn ám ảnh cuộc sống của người dân xung quanh. Vào cuối tháng 4 vừa qua, sau hơn một năm thi công, công trình cải tạo, nâng cấp kênh Ba Bò đã được hoàn thành.

Đoạn kênh Ba Bò chảy qua thị xã Thuận An đã được cải tạo sạch sẽ

Hồi sinh dòng kênh chết

Ba Bò là con kênh tự nhiên nằm trên phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (TPHCM). Phía Bình Dương, con kênh hình thành từ hệ thống hào chống tăng do bộ đội Quân đoàn 4 đào thủ công từ thập niên 80 của thế kỷ trước để bảo vệ doanh trại. Tại thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương), do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu dân cư, nhà dân nối tiếp nhau phát triển. Nước thải, rác thải từ các khu dân cư đổ dồn hết xuống lòng kênh, thêm việc dòng kênh dần bị lấn chiếm nên lâu ngày bốc mùi hôi thối.

Ông Võ Văn Bình, Trưởng khu phố Đồng An 3, phường Bình Hòa (thị xã Thuận An), cho biết: “Kênh bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, “nổi tiếng” cả vùng. Hàng năm, ngành y tế thị xã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phun xịt hóa chất diệt côn trùng nhưng dịch bệnh vẫn phát sinh vì khối lượng rác thải, nước thải không có nơi thoát, tồn dư quá lớn”.

Công trình cải tạo, nâng cấp kênh Ba Bò có chiều dài 3.316m, rộng đáy kênh 4 - 9m, được thiết kế dạng hình hộp, triển khai thi công từ đầu năm 2014. Bờ phải công trình là đường phố đô thị được thiết kế với vận tốc 20km/giờ, có đèn chiếu sáng, hệ thống thu gom nước mưa, nước thải riêng. Con đường này vừa phục vụ đi lại, tạo cảnh quan môi trường, vừa là vùng đệm ngăn cách giữa khu dân cư với tuyến kênh, nhằm phòng ngừa tái ô nhiễm về sau. Tuyến kênh có khả năng tiếp nhận và chuyển tải nước mưa, nước thải đã qua xử lý của các khu công nghiệp, như: Sóng Thần 1 và 2, Đồng An, Khu dân cư Đồng An và nước thải từ các hộ dân ở phường Bình Hòa (thị xã Thuận An). Tổng vốn đầu tư cho công trình 345 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương, đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, dù mới hoàn thành giai đoạn 1 nhưng kênh Ba Bò hôm nay đã giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm, góp phần chỉnh trang đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng tuyến cống thu gom cho khu vực dân cư dọc kênh, nhằm tách hai nguồn nước thải, thuận tiện cho việc quản lý nguồn xả thải, đấu nối vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải sau này.

Niềm vui của cộng đồng

Sau hơn một năm cải tạo, bộ mặt con kênh đã thực sự thay đổi, người dân có thể thoải mái ra đây tản bộ, hóng mát mà không lo bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Bà Lâm Thị Thảo, người dân khu phố Đồng An 3, tâm sự: “Công trình được đưa vào sử dụng, bà con trong khu phố vui mừng quá đỗi. Tối đến, chúng tôi bắc ghế ra bờ kênh ngắm nhìn suốt đêm, thật không ngờ có được như ngày hôm nay”.

Nói về ý nghĩa của việc “kênh Ba Bò hồi sinh”, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định: Đây là công trình có ý nghĩa vô cùng to lớn về việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng văn minh, hiện đại. Chính quyền địa phương cũng rất cảm ơn bà con trong vùng dự án đã hợp tác, tạo điều kiện để công trình hoàn thành đúng kế hoạch. UBND tỉnh mong người dân sống dọc bờ kênh nâng cao nếp sống văn minh đô thị; các doanh nghiệp quản lý, kiểm soát tốt nguồn nước trước khi thải vào kênh; các ngành chức năng theo dõi và xử lý nghiêm các trường hợp xả thải không đúng quy định, không đạt yêu cầu như đã cam kết.

Kênh Ba Bò giờ đây đã hoàn toàn đổi khác, ngoài việc thực hiện chức năng tiêu, thoát nước, dòng kênh còn tạo cảnh quan sạch đẹp. Không chỉ người dân Bình Dương mà gần 40.000 người dân vùng hạ lưu kênh thuộc quận Thủ Đức (TPHCM) đều phấn khởi, vui mừng.

ĐỨC THANH

Tin cùng chuyên mục