“Hồi sinh” những mảnh đời tươi trẻ tại quận Sơn Trà

Nghiện ma túy, nghiện game online là nguyên nhân khiến nhiều thanh thiếu niên ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng hư hỏng, gục ngã, đánh mất tương lai, niềm tin của mọi người dành cho bản thân. 

Việc cảm hóa, định hướng, đào tạo và giới thiệu nghề nghiệp cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt là giải pháp hữu hiệu của quận Sơn Trà nhằm triển khai thực hiện đề án chương trình “Thành phố 4 an” trên lĩnh vực an sinh xã hội.

Vượt qua mặc cảm, tìm lại chính mình

Tại một tiệm cắt tóc trên đường D.V.N (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), với gương mặt điển trai, trang phục lịch sự, một thanh niên vừa trò chuyện vừa mải mê giúp khách hàng uốn tóc. Người thanh niên đó tuổi đời còn rất trẻ nhưng không ai biết rằng anh từng trải qua nhiều chuyện buồn trong quá khứ.

Sau 2 năm đi cải tạo cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06 (thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) trở về, anh T.T.N (24 tuổi, trú ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nhận ra cái giá mà mình phải trả quá lớn cho sự khờ dại, bồng bột của tuổi trẻ. Cái tên T.T.N lẽ ra phải tương sáng nhưng đã từng rơi vào bế tắt, tăm tối. Thời gian ấy, T.T.N thấy bản thân thật xấu xa và sợ hãi khi đối diện với chính mình và người thân.

Còn đối với Đ.H.V (25 tuổi, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), bắt đầu nhận ra sự khác biệt của con người mình khi lên 12 tuổi. Càng lớn, Đ.H.V bị chỉ chỏ, cười cợt, chế nhạo của bạn bè và những người xung quanh. Nhiều lần Đ.H.V bị đánh bởi bạn bè và người thân trong gia đình. Nguyên nhân cũng chỉ vì tâm sinh lý V. không bình thường như mọi người.  

T.T.N và Đ.H.V chỉ là 2 trường hợp điển hình trong số những thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt ở quận Sơn Trà. Sinh ra trong những hoàn cảnh khác nhau, các thanh niên này phải gánh chịu những tổn thương, trăn trở. Nguyên nhân là từ cái nghèo, sự cám dỗ của môi trường xã hội, hậu quả của những gia đình tan vỡ, thiếu những kỹ năng sống cần thiết, không có công ăn việc làm ổn định,... Những gì họ phải đối mặt trước khi tham gia mô hình 4E (Employment- Empowerment- Education- Engagement, tạm dịch: Thăng tiến sự nghiệp - Thành thục tay nghề - Thấu hiểu bản thân - Tham gia tự nguyện) là sự mặc cảm, thất vọng, mất niềm tin về con đường phía trước.

Các em nhận ra giá trị sống và học tập kỹ năng sống khi tham gia chương trình

Khi tham gia chương trình 4E, họ nhận biết được giá trị sống, ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình, định hướng nghề nghiệp và tìm cho mình cơ hội để làm lại cuộc đời.

Ông Trương Công Bảo, giảng viên dự án chương trình 4E, thành viên Tổ chức tầm nhìn thế giới (World Vision) cho hay: “Để giúp các em khám phá những tiềm năng, khát vọng của bản thân, chúng tôi dùng sự chân thành của mình và khai thác tâm lý làm sao để thấu hiểu, chạm vào những ngõ ngách trong tâm hồn và giúp các em nhận ra giá trị của bản thân”.

Bên cạnh đó, nghề nghiệp mà chương trình đào tạo thường có thời gian học ngắn nên thu hút được các em. Điển hình như nấu ăn, làm bánh, tạo mẫu tóc, làm nail, spa, trang điểm chuyên nghiệp, lái xe dưới 9 chỗ, nhiếp ảnh...

Ông Đặng Phúc Sinh, đại diện trường Cao đẳng nghề Việt - Úc (TP Đà Nẵng) cho biết: “Ngoài việc trực tiếp tham gia đào tạo nghề, chúng tôi chú trọng việc đào tạo thêm các kỹ năng sống và cam kết tiếp tục hỗ trợ cho tổ chức World Vision với việc giảm học phí cho các em”.

Chuyển giao và nhân rộng mô hình

Được biết, chương trình 4E được thành lập hơn 2 năm, nhằm cảm hóa, giáo dục, hướng nghiệp và đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, sinh kế cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Hiện nay, chương trình 4E hoạt động hiệu quả ở quận Sơn Trà tại 3 phường: Mân Thái, Thọ Quang và Nại Hiên Đông. Mỗi chương trình thường kéo dài từ 3-6 tháng. Tổ chức World Vision cùng quận Sơn Trà góp 70%-90% kinh phí hỗ trợ các em tùy theo hoàn cảnh.

Sau 2 năm thực hiện, chương trình đã cảm hóa, giáo dục hơn 200 em, trong đó hơn 90 em tham gia học nghề và có công việc ổn định.

Cán bộ địa phương luôn giám sát kể cả thời điểm các em học nghề - giai đoạn cuối chương trình

Để có được kết quả này, sự phối hợp của chính quyền địa phương là yếu tố then chốt đem đến sự thành công và phát triển của chương trình. Họ là những cán bộ phường, người nhận diện và cung cấp thông tin về đối tượng, liên hệ với gia đình và giám sát các em trong quá trình tham gia chương trình.

Ông Ngô Phú Vinh, Phó phòng Thương bình Lao động- Xã hội quận Sơn Trà nhìn nhận, bắt nguồn từ việc thanh thiếu niên trên địa bàn sa đọa vì sử dụng ma túy, quận Sơn Trà đặt vấn đề với tổ chức World Vision tại Đà Nẵng.

“Không những là thanh thiếu niên sử dụng ma túy, đối tượng của mô hình còn là những thanh thiếu niên có nguy cơ sa vào tệ nạn, đánh mất tương lai của mình”, ông Ngô Phú Vinh cho hay.

Không chỉ triển khai tốt, năm 2018, quận Sơn Trà cùng với tổ chức World Vision tại Đà Nẵng tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ nguồn về mô hình sinh kế thanh thiếu niên. Việc tập huấn gồm phần lý thuyết và thực tế, trong đó phần thực tế có sự tham gia của các đối tượng. Xuất phát từ nhu cầu của địa phương, vì vậy tập huấn chuyển giao cho những cán bộ tại địa phương là điều cần thiết.

Chương trình tập huấn cho đội ngũ cán bộ nguồn về mô hình sinh kế thanh thiếu niên (4E)

Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó chủ tịch quận Sơn Trà nhấn mạnh, lãnh đạo quận xem chương trình 4E là một phần không thể tách rời trong kế hoạch cải thiện đời sống kinh tế-xã hội của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng những điều xấu từ xã hội.

“Căn cứ tình hình thực tiễn, rà soát các đối tượng cần giúp đỡ, không chỉ nằm trong chương trình, cán bộ quận còn nắm bắt thực tế và tăng cường thêm các mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng”, ông Nguyễn Đắc Xứng chia sẻ.

Có thể nói, không riêng quận Sơn Trà mà với các quận còn lại trên địa bàn TP, những khó khăn, vấn đề tồn tại là điều không thể tránh khỏi. Việc triển khai chương trình 4E là điều hết sức cần thiết. Từ đó, cho thấy xã hội vẫn còn đó những yêu thương chở che, đùm bọc và giúp "hồi sinh" những mảnh đời lầm lỡ.

Tin cùng chuyên mục