Hồi sinh thiên nhiên hoang dã cùng thổ dân

Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu về môi trường, khí hậu, sinh thái ngày càng nghiêm trọng, chính quyền nhiều nước đã hướng đến các giải pháp triệt để nhằm gầy dựng lại thiên nhiên hoang dã, trong đó có việc trả lại đất đai cho thổ dân.
Bò rừng Bison tại Khu bảo tồn động vật hoang dã dãy Bison quốc gia
Bò rừng Bison tại Khu bảo tồn động vật hoang dã dãy Bison quốc gia

Năm 1908, Chính phủ Mỹ đã lấy gần 7.300ha đất từ Liên minh Các bộ lạc Salish và Kootenai, lập ra Khu Bảo tồn động vật hoang dã dãy Bison quốc gia ở bang miền Tây Montana với mục đích là bảo vệ loài bò rừng Bison. Tháng 12 năm ngoái, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký văn bản luật trao trả đất lại cho Salish và Kootenai để cộng đồng thổ dân quản lý bò rừng Bison. Ngoài việc được xem là biểu tượng của các bộ lạc thổ dân, bò rừng Bison còn được cho rằng sẽ sống tốt hơn với cách quản lý của người bản địa, khi họ xem mối quan hệ với động vật như thành viên trong gia đình. Tom McDonald, người chịu trách nhiệm quản lý cá và động vật hoang dã của các bộ lạc, cho hay: “Chúng tôi dành sự tôn trọng đối với bò rừng Bison, thay vì các hành vi bạo lực để kiểm soát chúng. Đó là sự thay đổi trong mô hình quản lý tại đây”.

Đây là một câu chuyện điển hình về phong trào trao trả những vùng đất quan trọng về mặt văn hóa và sinh thái về với “chủ cũ” - những người dân bản địa và cộng đồng dân cư đã sống lâu đời trên vùng đất đó. Chính sách này được xây dựng từ sự kỳ vọng về kinh nghiệm chung sống lâu đời với thiên nhiên, động vật hoang dã của thổ dân bản địa, có thể giúp khắc phục những thiệt hại đối với môi trường hiện nay. 

Còn tại California, hơn 800ha rừng gỗ đỏ và đồng cỏ đã được trả lại cho bộ lạc Esselen. Ở Maine, liên minh 5 bộ lạc Wabanaki cũng được nhận lại hòn đảo rộng 60ha… Tất cả đều với mục đích để bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Tổng thống Joe Biden đã cam kết lắng nghe và làm việc với cộng đồng thổ dân trên toàn nước Mỹ khi thực hiện kế hoạch “30x30”, tức đến năm 2030, 30% đất công của nước Mỹ sẽ được đặt dưới sự “bảo vệ”. Kế hoạch này sẽ được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, từ bảo tồn nguyên vẹn, đến bảo tồn với sự quản lý của thổ dân... 

Canada cũng có cách làm tương tự Mỹ, khi chính phủ nước này đã hợp tác cùng Hiệp hội Qikiqtani Inuit để đồng quản lý Khu Bảo tồn biển quốc gia Tallurutiup Imanga và Khu Bảo tồn biển Tuvaijuittuq ở vùng lãnh thổ Nunavut, bao gồm phần lớn khu vực phía Bắc Canada. Tuvaijuittuq có nghĩa là vùng băng cuối cùng. Đây là nơi lớp băng dày nhất hiện còn sót lại ở Bắc cực và có khả năng tồn tại lâu nhất khi đối mặt với biến đổi khí hậu, và cũng có thể trở thành nơi trú ẩn cuối cùng của nhiều loài động vật như gấu Bắc cực, hải cẩu, hải mã…

Trong khi đó, với sự phối hợp của Hiệp hội Nature Conservacy, bộ tộc bản địa Nari Nari tại Australia đã nhận được quyền quản lý vùng đất ẩm Nimmie-Caira, bang New South Wales. Bộ tộc Nari Nari đã có lịch sử 50.000 năm cư trú tại khu vực này. Năm 2019, Nature Conservacy chuyển toàn bộ quyền quản lý 800km2 vùng đất ẩm này cho bộ tộc Nari Nari… Hiệp hội Nature Conservacy là một trong các hiệp hội bảo vệ môi trường lớn nhất thế giới, vừa khởi sự Chương trình Dân bản địa và dân cư địa phương, nhằm thúc đẩy việc trả lại các vùng đất đai có giá trị môi trường cao cho các thổ dân quản lý tại Mỹ, cũng như trên thế giới.

Theo giới quan sát, việc hiểu và công nhận vai trò của thổ dân trong quản lý thế giới tự nhiên, cho thấy quan niệm coi thiên nhiên hoang dã là các nguồn tài nguyên cần khai thác triệt để từ thế kỷ 19 đã thật sự lỗi thời.

Tin cùng chuyên mục