Hội thảo khoa học Tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa nghệ thuật

Hôm nay 9-12 tại TPHCM đã diễn ra hội thảo khoa học về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và văn học nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức. 64 tham luận được trình bày tại hội thảo, trong đó có những tham luận của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng nhiều tham luận, ý kiến của các nhà nghiên cứu đầu ngành, các văn nghệ sĩ. Đặc biệt hội thảo còn quy tụ ý kiến của các lãnh đạo các địa phương đóng góp những vấn đề mang tính thực tế cao, phản ánh chân thật các vấn đề giữa phát triển văn hóa và kinh tế hiện nay.

Hôm nay 9-12 tại TPHCM đã diễn ra hội thảo khoa học về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và văn học nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức. 64 tham luận được trình bày tại hội thảo, trong đó có những tham luận của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng nhiều tham luận, ý kiến của các nhà nghiên cứu đầu ngành, các văn nghệ sĩ. Đặc biệt hội thảo còn quy tụ ý kiến của các lãnh đạo các địa phương đóng góp những vấn đề mang tính thực tế cao, phản ánh chân thật các vấn đề giữa phát triển văn hóa và kinh tế hiện nay.

  • “Tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xã hội”

Đó là ý kiến nhận xét về sự mất cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hóa hiện nay của PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

Ông cho rằng, nền kinh tế đất nước ta thời gian qua có sự phát triển rõ rệt, cải thiện đáng kể bộ mặt của xã hội, góp phần khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế và khu vực. Nhưng bên cạnh sự phát triển đó lại là sự thụt lùi, xuống cấp nghiêm trọng về văn hóa, đạo đức xã hội. Nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức bị đảo lộn, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp bị xâm hại nghiêm trọng. Những hành vi phi nhân tính của con người bộc lộ ngày càng tăng cả về số lượng lẫn tính chất, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn và sự chênh lệch trong hưởng thụ văn hóa - văn học, nghệ thuật cũng tăng cao.

Điều này được phản ánh rất rõ nét qua những sự kiện nổi bật gần đây, không chỉ ở những vụ án mà sự man rợ, phi nhân tính lên đến đỉnh cao mà còn ở sự tán đồng, suy tôn kẻ thủ ác ở một bộ phận thiểu số của giới trẻ. Rồi những vụ xuống cấp về đạo đức ở một số ngành nghề vẫn được coi là cao cả như ngành y tế, giáo dục. Sự xuống cấp đạo đức không chỉ ở đội ngũ hành nghề mà còn ở chính cách đối xử của bản thân người dân với đội ngũ này. Bác sĩ cứu không được thì bị hăm dọa, thậm chí là hành hung và thậm chí có bác sĩ đã bị giết chỉ vì không cứu được người bệnh.

Văn học nghệ thuật và kinh tế luôn được xem là hai trụ cột của sự phát triển xã hội, thực tiễn hiện nay cho thấy sự mất cân đối khi trụ cột văn học nghệ thuật đang có sự chênh lệch theo chiều hướng tiêu cực so với sự phát triển kinh tế.

  • Kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế

Đã nhìn trước những vấn đề của sự phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách, chỉ thị về vấn đề phát triển văn học nghệ thuật. Từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998), Đảng ta đã đặt ra mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đến Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (tháng 6-2008) triển khai “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, vai trò của văn hóa, đặc biệt là văn học nghệ thuật trong sự phát triển xã hội càng được chú trọng.

Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy phát triển văn học nghệ thuật vẫn chưa được chú trọng. PGS-TS Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nêu ví dụ, ở quận Đống Đa, Hà Nội, trong nhiều năm qua, số lượng cao ốc tăng rất nhiều nhưng trường học, khu vui chơi thiếu nhi thì hầu như không tăng nếu không nói là giảm!

Theo PGS-TS Hồng Vinh, câu hỏi gây nhức nhối từ các cấp lãnh đạo đến người dân hiện nay là vì sao các Nghị quyết, Chỉ thị về văn học nghệ thuật đã nêu khá đầy đủ, toàn diện về vai trò, nhiệm vụ của văn học nghệ thuật nhưng kết quả còn hạn chế, trong khi đó, thực tiễn lại đang nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc trong lĩnh vực đời sống tinh thần?

Và cuộc hội thảo “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và văn học nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” chính là một trong những hoạt động nhằm giải đáp câu hỏi trên.

Cuộc hội thảo tập trung vào 4 vấn đề cơ bản, mở đầu là làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn học nghệ thuật, xác định vị trí, vai trò của từng lĩnh vực cũng như ảnh hưởng của chúng với nhau, và sự tác động qua lại trong bối cảnh hiện nay cũng như tương lai, chú trọng xây dựng mối quan hệ cộng sinh trong phát triển văn hóa có tăng trưởng kinh tế và ngược lại.

Vấn đề thứ hai là đánh giá thực trạng phát triển văn học nghệ thuật hiện nay cũng như chỉ ra những hạn chế, bất cập trong việc quản lý văn học nghệ thuật.

Từ việc đánh giá này dẫn đến vấn đề thứ ba là đề xuất các kiến nghị, giải pháp cụ thể thiết thực, tư vấn cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện chủ trương, chính sách để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Vấn đề cuối cùng hội thảo nhắm đến là góp phần xây dựng các biện pháp để tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư tưởng cũng như chỉ đạo thực tiễn trong quản lý kinh tế và văn học nghệ thuật thời kỳ mới. 

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục